Nổi bật, Tâm lý

CHUYỆN XÂM HẠI

CHUYỆN XÂM HẠI

Hôm nay tình cờ mình lại nghe trên tivi có vụ một ông hiệu trưởng xâm hại nhiều học sinh nam. Mình muốn chia sẻ một chút về chủ đề này với những gì mà mình đã nghe và tiếp xúc từ nhiều nạn nhân từng bị xâm hại.
Mình viết những dòng này không mong muốn tạo ra một sự phẫn nộ, mà muốn mọi người đọc để nhìn ra một lối thoát. 


Mình là một người rất may mắn vì có tuổi thơ êm đềm hơn rất nhiều người khác. Liên quan đến câu chuyện xâm hại, mình có một kí ức duy nhất vào hồi lớp 5, khi đang trên đường đi học thì có một thằng mất dạy đạp xe qua và đập tay vào ngực mình. Chỉ thế thôi, nhưng mình nhớ lúc đó tim đập chân run và chỉ biết chạy đi. Mình không kể cho ai vì thấy chuyện đó khá xấu hổ. Suốt nhiều ngày sau mỗi lần đi học mình đều thấy hơi sợ. Nếu có bạn đi cùng thì không sợ nữa. Giờ lớn lên mới thấy chuyện đó chẳng có gì đang xấu hổ, mình là người bị hại, và chẳng có gì sai khi chia sẻ điều đó. Khi mình nói chuyện đó ra thì rất nhiều bạn gái khác cũng kể hồi bé từng bị thế. Nhưng sao lúc đó chúng ta lại thấy xấu hổ nhỉ?

Đấy chỉ là một chuyện rất nhẹ nhàng so với rất rất nhiều câu chuyện xâm hại và tấn công tình dục mà mình được nghe từ các học viên của mình. Mất một thời gian mình mới chấp nhận được chuyện hoá ra việc tấn công tình dục lại có thể phổ biến đến vậy trong xã hội này.

Thủ phạm phần lớn là những người quen biết, là “chú hàng xóm”, “bạn thân của bố”, “bạn thân của mẹ mà giờ hàng năm vẫn đến chúc Tết nhà em”, là anh họ, là chú ruột, là bác ruột… những người có vẻ ngoài bình thường, lịch sự, tử tế như bao nhiêu người khác. Bi kịch hơn, có những trường hợp mà thủ phạm chính là anh ruột, là… bố.

Phần lớn nạn nhân sẽ im lặng vì sợ, vì xấu hổ. Đứa trẻ lúc đó sẽ không biết phải phản ứng thế nào và cứ mãi hoang mang, ám ảnh cho đến thời điểm hiện tại, thậm chí nhiều người vẫn âm thầm cho rằng cơ thể của mình dơ bẩn, hoặc “em có lỗi vì đã không phản kháng lại” hoặc “em nghĩ một phần nào đó trong em thích chuyện đấy nên em đã không nói với ai, em quá dơ bẩn”.

Một số bạn khi nói ra lại bị phản hồi tiêu cực từ người nhẽ ra phải bảo vệ mình “mày nói dối”, “mày ăn mặc như con cave như thế cho mày chết (bạn gái đó học lớp 3)”, “chuyện này sống để bụng, chết mang theo, con không được nói với ai hết”… Và ám ảnh nhất trong mọi câu chuyện mình được nghe là một bạn gái chứng kiến người bố mình rất yêu quý xâm hại chính chị gái mình, ngay sau đó bạn chỉ tìm mọi cách để tự tử, đã thử nhưng không thành, và luôn nghĩ cái chết.

Phản ứng tự nhiên của chúng ta là phẫn nộ và chửi rủa lũ thủ phạm. Nhưng ai, ai là người gieo vào đầu óc chúng ta chuyện xấu hổ về cơ thể này? ai là người gieo vào đầu óc chúng ta chuyện cấm kị về tình dục? ai là người dạy chúng ta phải nghe lời và tuân phục người lớn tuổi hơn? Và nếu đứa trẻ có những biểu hiện sợ hãi, hoang mang, giận dữ… nhẽ ra ai phải là người nhận ra điều đó đầu tiên? Đừng nói đến môi trường xã hội an toàn làm gì vội trong khi đứa trẻ còn không có cảm giác an toàn khi nói chuyện với chính những người sinh ra nó.

Mình mừng vì ít ra sau những vụ việc thương tâm, nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em đã lên tiếng, nhiều phụ huynh đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc nói chuyện với con về ranh giới của cơ thể, về quyền của con, về việc người khác được phép làm gì với con… Nhưng đồng thời, nhiều bố mẹ vẫn rất hoang mang vì những thông tin như vậy cho thấy xã hội quá bất ổn. Mình hy vọng những dòng sau đây sẽ giúp được các bạn phần nào, dù mình không phải chuyên gia trong lĩnh vực này, những gì mình viết là những gì mình kinh nghiệm được trong quá trình làm chữa lành cho các học viên lớp thiền, cũng với những kiến thức mình đọc trong sách.

?Giai đoạn từ 3-6 tuổi là giai đoạn phát triển tính dục đầu tiên của con người. Bạn sẽ thấy trong giai đoạn này đứa trẻ rất hay sờ chạm vào bộ phận sinh dục.
Mình quan sát thấy rất nhiều phụ huynh, ông bà sẽ quát, đánh vào tay đứa trẻ và bảo như vậy là hư, là xấu, không được phép làm thế… Nếu bạn ứng xử như vậy, bạn đang cho đứa bé thông điệp rằng: cơ thể là đáng xấu hổ, khoái cảm là đáng xấu hổ… nó sẽ không bao giờ nói chuyện với bạn về nó nếu có chuyện gì xảy ra.
Việc này xảy ra ngay trong gia đình mình, khi mẹ mình quát đứa cháu không được làm thế. Mình chỉ bảo mẹ yên tâm, không sao cả, sau một thời gian nó sẽ tự khắc không làm thế nữa. Đây là giai đoạn trẻ con phát hiện ra việc sờ vào bộ phận sinh dục sẽ có cảm giác thích thú. Mình cứ nói với nó là: con thấy thích đúng không? Nhưng trước mặt mọi người thì con không làm thế nhé, hoặc tay con bẩn sờ vào sẽ bẩn đấy… lúc tắm giải thích cho con là chỗ này phải giữ vệ sinh sạch sẽ, không ai được đụng vào chỗ này của con trừ bố mẹ lúc tắm rửa cho con…
Quay lại câu chuyện mình kể phía trên khi có bạn nói rằng “em nghĩ một phần nào đó trong em thích chuyện đấy nên em đã để nó diễn ra…”. Đó không phải lỗi ở bạn khi bạn có khoái cảm lúc được đụng chạm vào phần sinh dục, lỗi của người không giáo dục cho bạn điều đó và người lợi dụng điều đó. Đừng bao giờ xấu hổ về bản thân mình.

?Đừng chủ quan với bất cứ người thân, bạn bè, ông chú, ông bác nào… khi để con bạn một mình với những người đó. Dù họ có tử tế đến đâu, và thậm chí bạn đã quen biết họ nhiều năm hay nghĩ là bạn hoàn toàn hiểu họ.

Điều này nói ra có vẻ là nhìn đời màu đen, nhưng là cần thiết. Luôn tâm sự với con xem có chuyện gì xảy ra không, quan sát các phản ứng và cách trả lời của con.

Có một quan sát mà mình nhận được khi tiếp xúc với các ca chữa lành liên quan là phần lớn nạn nhân không quá căn hận thủ phạm, mà “em buồn vì mẹ không ở đó bảo vệ em”, “em giận vì mẹ không bênh em”, “em ước gì bố ở nhà thời gian đó”, “lúc khóc em cứ gọi mẹ ơi mà mẹ em đi làm xa quá”… Không phải mình muốn đổ lỗi cho bố mẹ, mà nhấn mạnh vào vai trò của bố mẹ trong việc hàn gắn những tổn thương này.

?LUÔN CÓ CÁCH ĐỂ CHỮA LÀNH
Câu chuyện xâm hại hay tấn công tình dục đó sẽ mãi ám ảnh khi nạn nhân không thể kể nó ra, không thể nức nở, không được vỗ về và không tin rằng mình chẳng có gì phải xấu hổ về bản thân.
Đúng vậy, chuyện chữa lành vừa khó mà cũng vừa dễ. Mấu chốt là để những dồn nén cảm xúc được bung ra, đứa bé bên trong được vỗ về, an ủi.

Mình thường dùng cách nhờ một bạn khác đóng vai mẹ hay bố ôm bạn đó và nói “mẹ đây con, mẹ xin lỗi con, mẹ không biết con của mẹ đã đau khổ đến thế…” và bạn đó bắt đầu oà khóc nức nở, bắt đầu nói ra những ấm ức của mình, và bước tiếp theo khẳng định với bạn rằng bạn không có lỗi gì, bạn xứng đáng được yêu thương và luôn toàn vẹn.

Cách chữa lành khác là viết. Viết lại câu chuyện đó. Nghe thì có vẻ sẽ khơi dậy nỗi đau, nhưng khi viết bạn hãy tập trung vào cảm xúc và nhu cầu của đứa trẻ là bạn khi đó, hãy để cảm xúc bung ra, hãy viết mà không cần ngừng lại để nghĩ, viết bất cứ thứ gì đang diễn ra trong bạn.

Với các trường hợp mình chữa lành, sau nhũng phương pháp như vậy, có những bạn gào khóc đến mệt, có bạn phải vào nhà vệ sinh nôn thốc tháo… và sau một quãng nghỉ ngơi, bạn đó sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Việc nói ra được câu chuyện và giải phóng được cảm xúc dồn nén luôn cực kì quan trọng trong quá trình chữa lành.

Nếu chẳng may có chuyện gì đó diễn ra với những đứa trẻ trong nhà bạn, bạn luôn có thể làm cách này để chữa lành cho các con.

?Môi trường an toàn cho con không phải môi trường có nhiều camera quan sát, mà là sự thoải mái của con khi có thể tâm sự mọi chuyện với bố mẹ.
Đừng bao giờ chịu đựng một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhất là khi tồn tại bạo lực gia đình (thể chất hay tinh thần). Khi bạn không hạnh phúc, đừng hòng đứa trẻ cảm thấy an toàn và tâm sự với bạn, đừng hòng đứa trẻ mở lòng với bạn, và nó không bao giờ học được khái niệm về cuộc đời hạnh phúc vì bạn không thể dạy được cho nó. Những trường hợp loạn luân mà không thể ngờ tới cũng xảy ra trong những gia đình không hạnh phúc mà thôi.

Mình dành thêm một đoạn để viết về những thủ phạm. Từ chỗ kinh tởm và phẫn nộ, khi học và làm chữa lành, mình tự hỏi: những người đó cảm thấy gì khi khống chế những đứa trẻ, nhìn chúng tuyệt vọng, bất lực và yếu đuối trong tay mình, khoái cảm và tội lỗi nào đang diễn ra trong đầu họ… Họ đã từng trải qua chuyện gì, điều gì đã làm gẫy nát tâm hồn họ đến vậy, họ có từng bị xâm hại hay không… Mình thực sự rất tò mò.

Những người tìm đến mình trong những ca chữa lành 95% là phụ nữ. Phụ nữ có lẽ mong manh và dễ tổn thương hơn, nhưng dễ được chữa lành hơn, vì họ còn có thể dễ dàng tâm sự, bày tỏ cảm xúc, khóc… Còn đàn ông? Văn hoá này thường không có phép họ bày tỏ cảm xúc hay khóc lóc. Nhỡ có điều gì đó kí sinh và ăn mòn họ từ bên trong?

Mình mỗi lần nghe những câu chuyện về xâm hại hay tấn công tình dục, sau những giây chuếnh choáng, mình vẫn lựa chọn tin vào điều này: lòng từ bi đủ lớn sẽ giúp người ta thoát khỏi con quỷ trong chính mình.

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)