Nổi bật

NÊN LÀM GÌ KHI CUỘC SỐNG ĐANG MẤT PHƯƠNG HƯỚNG?

“Ôi, em đang bị mất phương hướng quá, em nên làm gì bây giờ?” Đấy là câu hỏi mình thường xuyên được nhận từ học viên. Và câu trả lời thường là “Thôi đừng làm gì cả!” ?

Quan điểm của mình là thế này. Chúng ta hãy hình dung như cuộc đời mỗi người là một dòng chảy. Dòng chảy nào rồi cũng đổ ra biển mà thôi, tức là cứ tự nhiên mà “chảy” rồi sẽ đến đích, động lực đã nằm cả bên trong bạn rồi. Có điều dòng chảy đó có mạnh mẽ và thông suốt hay không mà thôi.

Đôi khi “dòng chảy” cuộc đời của chúng ta bị tắc nghẽn bởi những vấn đề trong quá khứ. Đó là những tổn thương hay sang chấn mà đến thời điểm hiện tại bạn vẫn đang chưa buông được chúng, vẫn đang dằn vặt vì chúng… bạn để chúng chi phối cách bạn nhìn nhận cuộc sống, cách bạn lựa chọn và ra quyết định. Ngay cả khi bạn đã vùi lấp những vấn đề đó rất sâu, tìm cách chối bỏ, lãng quên và tưởng rằng mình đã vượt qua được thì nó vẫn cứ nằm đó, chi phối bạn trong vô thức thông qua các hành vi và phản ứng thường ngày.

Giờ hãy tưởng tượng “dòng chảy” của bạn, từ khi sinh ra, qua mỗi giai đoạn của cuộc sống lại hình thành những điểm tắc nghẽn. Những tổn thương, sang chấn chi phối chúng ta nhiều nhất lại thường xuất hiện vào quãng đời tuổi thơ, khi đứa trẻ vô cùng nhạy cảm và dễ bị tác động. Những điểm tắc nghẽn đầu tiên đó định hướng dòng chảy, lưu lượng chảy. Rồi lại tiếp tục xuất hiện những điểm tắc nghẽn khác tác động lên dòng chảy của chúng ta cho đến khi dòng chảy dừng lại hoàn toàn. Đó là khi mà bạn cảm thấy mất định hướng.

Tại sao khi mất định hướng lại không nên làm gì? Thực ra “không nên làm gì” ở đây nên được hiểu là đừng làm gì có chủ đích hay mục tiêu quá cụ thể, không cần phải lên kế hoạch quá chi tiết hay định hướng vài năm sắp tới. Hãy nghỉ đã, làm gì mình thích hay muốn làm đã. Bởi đây là thời gian bạn cần quay lại với bản thân mình, nhìn lại các vấn đề cũ để tháo gỡ, chữa lành, để buông… để dòng chảy của bạn được khơi thông và chảy tiếp một cách tự nhiên.

Nhưng trong cuộc sống vì quá sợ sự mất định hướng, chúng ta lại thường hay làm cái gì đó thật vội vàng để vượt qua giai đoạn này. Đã quen với việc định hướng có sẵn, như là: tiếp theo của mẫu giáo là tiểu học, rồi trung học, rồi đại học, rồi kiếm việc làm… rồi chơ vơ sợ hãi không biết mình nên làm gì tiếp. Kiểu như đi làm rồi vẫn không thấy cuộc đời có ý nghĩa thì chắc là phải lấy chồng/lấy vợ thôi, hoặc kiếm thêm tiền, hoặc mua sắm nhiều hơn… yêu nhau mà đến giai đoạn hơi chán chán rồi thì thôi cưới xừ đi, hay có con đi để chuyển sang giai đoạn mới… ôi sao tự dưng thấy đời vô nghĩa thế này phải bám víu vào một mục tiêu nào đó, lên mạng hoặc tìm ai đó để xin một lời khuyên về định hướng… nhưng rồi mọi thứ sẽ lại lòng vòng, cuộc sống đơn giản chỉ đi từ bế tắc này đến bế tắc khác.

Mình tin những người được cho là may mắn, cuộc đời suôn sẻ, có định hướng tốt… là những ngươi thường xuyên làm cho “dòng chảy” của mình được lưu thông xuyên suốt, gỡ bỏ những tắc nghẽn “tổn thương” bằng việc tha thứ, buông bỏ, yêu đời và yêu người. Nhưng những người nhận ra mình đã mất định hướng và dừng lại cũng là một dấu hiệu tốt, những việc mà chúng ta không làm được thường xuyên như trên, giờ cần một khoảng thời gian dài hơn mà thôi. Thay vì làm human-doing, chúng ta hãy trở lại là human-being. Hãy chậm lại, hãy thử những cái mới, làm điều mình thích mà không cần đặt áp lực, mục đích hay hiệu quả cho nó. Dành thời gian để kết nối với chính mình, xem mình là ai, mình muốn trở thành gì, điều gì đã cản trở mình, có vấn đề nào trong quá khứ đang níu kéo mình hay không, làm cách nào để buông được những điều đó… Và bạn sẽ tìm lại được động lực dòng chảy của mình.

Nói một chút về sự khác nhau giữa human-being và human-doing, đó là một bên hành động theo tinh thần (sprit) – cũng chính là dòng chảy mình nói đến, còn một bên là hành động theo tâm trí (mind) – thứ rất dễ bị tác động, định hình bởi người khác, bởi xã hội, bởi truyền thông… Human-being hành động dựa trên sự thích thú, cảm thấy tràn đầy động lực, sự sáng tạo và năng lượng bên trong, còn hành động của human-doing bị thúc đẩy bởi nỗi sợ, sự lo lắng, bất an… (kiểu không làm thì chết).

Túm lại, nếu đang quẩn quanh và bế tắc với các tiêu chuẩn xã hội và những gì người đời cho rằng nên làm, hãy dừng lại. Không sao cả, đừng sợ. Dòng chảy đã ở bên trong bạn rồi, chỉ cần tìm lại nó thôi. Hãy thả lỏng và thử làm những điều đang mời gọi bạn. Hãy khởi lên mong muốn và để vũ trụ dẫn dắt. Còn nếu thấy bên trong mình có rất nhiều oán giận, tổn thương, bạn cần xử lý, cần chữa lành những điều đó để dòng chảy được khơi thông. Mất định hướng không xấu, đó là dấu hiệu để bạn chậm lại và điều chỉnh mà thôi.

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)