Tâm lý

“THÔI MIÊN” TRẺ BẰNG NGÔN TỪ VÀ HỆ LUỴ

“THÔI MIÊN” TRẺ BẰNG NGÔN TỪ VÀ HỆ LUỴ

Mình từng được nghe về một phương pháp thôi miên trẻ con bằng ngôn từ, tức là nếu hàng ngày bạn nói với trẻ rằng: con là một em bé tốt bụng, con là người anh có trách nhiệm – rất biết nhường em, con là một đứa trẻ tài giỏi, thông minh, dũng cảm… thì đứa trẻ sẽ như thế thật. Rất nhiều người đã kiểm chứng là đúng thế. Cũng có sách khẳng định thế, gọi đó là lập trình ngôn ngữ tư duy. Nhưng liệu điều này có tác dụng phụ nào không?

Đầu tiên hãy nói đến việc tại sao nó hiệu quả.
Một đứa trẻ không sinh ra với một tính cách có sẵn. Nó tương tác với môi trường xung quanh, nhận phản hồi và chọn chiến lược nhân cách sao cho nó được yêu quý – hay nói cách khác là có lợi nhất để sinh tồn.

Ví dụ: Khi đứa trẻ mới sinh ra, mẹ thường hay bắt chước ê a theo tiếng em bé. Nhưng đến một thời điểm, đứa bé bắt đầu bắt chước mẹ, “nói chuyện” lại với mẹ. Khi đứa bé ê a, mẹ tỏ ra rất thích thú. Đứa bé ghi nhận “ahh, nếu mình ê a thì sẽ được thích”, nó tiếp tục ê a với mẹ để được mẹ yêu thích.

Hay khi một đứa trẻ đang chơi, nó quay quay rồi ngã dập mông xuống. Mọi người xung quanh thấy yêu quá trời, cười phá lên. Đứa bé ghi nhận “nếu mình làm thế thì mình sẽ được yêu này”, nó đứng dậy, quay quay và tự ngồi dập mông xuống. Lần đầu là tình cờ thôi, lần 2 là cố tình gây sự chú ý. Mọi người lại thấy nó giả vờ buồn cười quá lại cười phá lên. Đứa trẻ tiếp tục làm thế để được tán thưởng. Nhưng đến lần thứ 3, người lớn nghiêm nghị bảo “thôi nhé, không được làm thế nữa, vừa ăn xong chớ ra bây giờ!!!” Thế là nó ngơ ngác “ơ, rõ ràng lúc nãy làm thế thì được yêu, mà giờ lại không được, chả hiểu gì cả!”

Một ví dụ khác: người ta thường nói “con rạ thông minh hơn con so” – ý nói đứa con thứ thường thông minh hơn đứa con đầu lòng. Nhưng thực ra không phải vậy! Khoa học phân tích tâm lý thấy rằng khi đứa con đầu lòng được sinh ra, nó nghiễm nhiên trở thành trung tâm của gia đình, nó chẳng cần phải làm gì nhiều để được chú ý. Trong khi đứa trẻ thứ 2 được sinh ra, nó ý thức được rằng “mình có 1 đối thủ cạnh tranh”, vì thế nó cần nhiều chiến lược hơn để thu hút sự chú ý, nên đứa thứ 2 thường khôn hơn, lẻo mép hơn, biết làm nũng hơn. Hoàn cảnh xô đẩy cả! Nó cũng biết anh/chị nó làm gì thì bị phạt để tránh không làm điều tương tự.

Vì từ khi là một đứa trẻ, chúng ta đã tìm kiếm sự công nhận và yêu thương, do đó sự phản hồi của môi trường bên ngoài – đặc biệt từ bố mẹ rất quan trọng. Nếu bố mẹ nói với đứa trẻ: con bé này ngoan lắm, chắc nó biết thân biết phận bố mẹ hay phải đi làm nên nó không khóc đâu – đứa trẻ sẽ như thế thật. Bạn này bạn í người lớn lắm, rất nhường em – đứa trẻ sẽ như thế thật. Ôi zồi ôi con bé này nó ghê gớm lắm, không ai lấy được của nó cái gì đâu *giọng chê nhưng rất tự hào* – đứa trẻ sẽ như thế thật. Bởi đứa trẻ tiếp nhận thông tin rằng nó đang được công nhận theo cách đó và đấy là chiến lược để nó được yêu.

Nhưng hệ luỵ là gì? Đứa trẻ có thể thành công, tài giỏi, trách nhiệm, dũng cảm, tự tin như cách bố mẹ nó vẫn nói với nó. Nhưng nó có hạnh phúc với điều đó không?

Nếu bạn nói với một đứa trẻ: con là một người chị rất có trách nhiệm, luôn nhường nhịn em, luôn lo cho gia đình – đứa trẻ sẽ thể hiện ra như vậy. Nhưng bên trong nó cũng có nhu cầu được làm nũng, được thả lỏng, được tự do… và mỗi khi những nhu cầu đó xuất hiện, nó tự nói với mình rằng “không được như vậy, như vậy là sai, như vậy sẽ không ai yêu mình…”. Nó tiếp tục kìm nén những nhu cầu đó, nhìn đứa em mình được yêu chiều hơn mà vừa đau khổ, vừa thấy tội lỗi…
Đó là câu chuyện của rất nhiều học viên của mình trong các workshop chữa lành – những anh/chị cả trong nhà. Có một chị từng đến khóc với mình nói rằng: em gái chị đang ốm – chị vừa chăm sóc bạn í ở viện nhưng vừa khó chịu và tức giận với việc đó, tại sao chị phải hy sinh hết điều này điều kia để nhường cho bạn í, chị xấu xa lắm đúng không?
Mình nói rằng chị tức giận không có gì sai cả. Cảm giác tức giận đó là sự gào thét của những nhu cầu bên trong chị chưa được đáp ứng mà thôi.

Tương tự, nếu một đứa trẻ được cho là mạnh mẽ có thể nó cảm thấy rất tồi tệ mỗi lần mình yếu đuối, không cho phép mình yếu đuối và ngăn chặn mọi nguy cơ khiến mình tổn thương – đồng nghĩa với việc không dám sống. Một đứa trẻ được cho là tự tin ghét bỏ chính mình mỗi lúc tự ti, dù nó không bao giờ thể hiện ra…

Mình vẫn nhớ trong bộ phim hoạt hình Inside Out, khi đứa trẻ luôn được bố mẹ gọi là “ôi, cô bé vui vẻ của bố đây rồi”, “cảm ơn con, nhờ sự vui tươi của con mà mẹ cảm thấy thật yên tâm”… nghe có gì sai đâu nhỉ. Nhưng đứa trẻ trong bộ phim đó, nó không cho phép mình được buồn. Buồn là cái gì đó rất sai trái, nó dồn nén nỗi buồn đến mức trầm cảm.

“Thôi miên” trẻ bằng ngôn từ có rất nhiều trong những khoá học dạy con thành đạt. Nhưng bạn muốn một đứa con thành đạt hay một đứa con hạnh phúc? Vì thế hãy cẩn thận lời nói của bạn với những đứa trẻ. Hãy nói với nó buồn cũng không sao cả, yếu đuối cũng không sao cả, con sợ là đúng thôi… Chấp nhận mọi thứ đều có cả 2 mặt, đều là nhị nguyên, khi đó mới có sự cân bằng, bình an, chấp nhận bản thân như mình vốn là, chấp nhận thế giới như nó vốn thế.

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)