Nổi bật, Zen

THẾ GIỚI NÀY VẬN HÀNH NHƯ MỘT CỖ MÁY HAY MỘT CƠ THỂ SỐNG?

Đó cũng là quan điểm chủ đạo của phương Tây và phương Đông. Vì người phương Tây nhìn sự vận hành của thế giới này như một cỗ máy – mà cỗ máy tức là có thể tách rời các bộ phận, có các mắt xích, bánh răng – vì thế họ luôn muốn tác động vào sự vận hành đó để thay đổi nó.

Trong khi đó, người phương Đông coi thế giới này là một cơ thể sống, nó vận động một cách sinh động, biến đổi để thích nghi, liên tục phát triển và tiến hoá, và chính con người chúng ta cũng là một phần, một tế bào của cơ thể sống vĩ đại này, vì vậy mà chúng ta nằm trong sự hoà hợp của tổng thể, sự phát triển của chúng ta cũng nằm trong sự phát triển của tổng thể.

Hai quan điểm này có thể nhìn thấy rõ nhất trong y học. Với Tây y, nếu bạn đau cái tay thì bạn chữa cái tay, bạn đau dạ dày thì uống thuốc đau dạ dày, bạn có khối u thì cắt khối u…
Còn với Đông y, ai uống thuốc nam, thuốc bắc đều biết là kiểu gì cũng phải làm cho cơ thể cân bằng lại đã. Giống như Osho đã từng nói: nếu một người bị bệnh, thì không phải ta chữa cái bệnh đó mà phải chữa cái người đó, người đó có vấn đề gì, mất cân bằng ở đâu mà căn bệnh đó lại xuất hiện.

Hai quan điểm này cũng thể hiện trong khoa học của phương Tây – chia nhỏ thành các ngành, lĩnh vực nghiên cứu và Đạo của phương Đông – tất cả nằm trong một dòng chảy, một khối thống nhất nhưng không tĩnh mà rất sống động.

Thực ra ở thời điểm hiện tại mà chia thành hai quan điểm phương Tây và phương Đông cũng không hoàn toàn đúng. Vì người phương Đông, khi ngưỡng mộ sự phát triển và thành quả vật chất của phương Tây cũng đã tập trung vào khai thác, biến đổi, tìm mọi cách tác động lên thế giới này. Trong khi đó phương Tây lại có những nghiên cứu hướng về quan điểm “nhất thể” (oneness), một vài ví dụ như: Nobel Y học 2017 được trao cho nghiên cứu về nhịp sinh học của con người, bộ phim khoa học Earth from Space mà mình đã giới thiệu trước đây nói về Trái đất vận hành như một cơ thể sống, hay cuốn sách Collapse của tác giả Jared Diamond nổi tiếng nói về việc cách con người tác động lên thế giới này là một quá trình tự tử của các xã hội loài người.

Hai quan điểm này dù đối lập, nhưng chúng không phủ định nhau hay đáng để chúng ta tranh cãi, chiến đấu với nhau xem cái nào thì đúng. Hai quan điểm này nên được coi như hai tính Âm (cơ thể sống) và tính Dương (cỗ máy) cùng nằm trong một Thái cực đồ gồm 2 nửa đối xứng ôm trọn và xoắn vào nhau, vận động không ngừng. Âm thịnh thì Dương suy, rồi lại đến điểm Dương thịnh – Âm suy, trong Âm có Dương, trong Dương có âm. Thế giới có giai đoạn phát triển ồ ạt theo tính Dương (khai thác, tác động, biến đổi…) thì cũng đến một điểm nó xoay vần dần sang Âm (phục hồi, cân bằng, hoà hợp…) và rồi lại Dương, lại Âm cứ thế tiếp tục vận hành mà nhờ đó thế giới này phát triển và tiến hoá.

Trước đây, hồi còn trẻ trâu ?, như nhiều người khác, mình rất sính ngoại và ngưỡng mộ các quan điểm phương Tây, vì thấy nó rất minh bạch và khoa học, mình khá coi thường các quan điểm phương Đông vì cái gì cũng lờ mờ, không rõ ràng, chung chung. Nhưng khi hiểu biết hơn, mình hiểu quan điểm phương Tây là chia nhỏ còn quan điểm phương Đông là ngay khi anh chia nhỏ mọi thứ nó đã không còn đúng nữa rồi. Cách của phương Tây là xây dựng hệ thống kiến thức, rõ ràng và rành mạch, thì quan điểm phương Đông là ngay khi anh dùng ngôn từ để viết nó ra thì anh đã giới hạn nó rồi. Vì thế phương Đông đi vào trải nghiệm và chứng ngộ, cách người thầy hướng dẫn cho người trò cũng vậy (chứ hem phải người ta giấu nghề).

Khi bắt đầu thiền và quan tâm đến các vấn đề tinh thần, tâm linh, mình thấy phương Tây có bạt ngàn sách, bạt ngàn quan điểm, nhưng phương Đông chủ yếu là thực hành. Mình bỗng nhớ đến câu chuyện kể về Đức Phật và nắm lá Simapa. Hồi đó, rất nhiều đệ tử hỏi Bụt rằng: “Người đã giác ngộ rồi, vậy hãy kể cho chúng con nghe vũ trụ được hình thành như thế nào, hữu biên hay vô biên, hữu hạn hay vô hạn?” Bụt không muốn trả lời những câu hỏi đó nhưng cứ bị nài ép. Một hôm Bụt vào rừng và mang về một nắm lá Simapa và hỏi: “Các con thấy lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng nhiều?” Mọi người trả lời lá trong rừng dĩ nhiên phải nhiều hơn. Bụt nói: Đúng vậy, những gì ta biết do thực chứng thì nhiều như lá trong rừng, nhưng những gì có thể kể chỉ nhỏ như nắm lá này. Nếu muốn biết rừng nhiều lá thế nào, các con hãy tự vào rừng.

Vậy nếu bạn chấp nhận cả 2 quan điểm này, coi thế giới này bao gồm các bộ phận nhưng không phải là các bộ phận của một cỗ máy vô tri mà là một cơ thể sống không ngừng phát triển, tiến hoá và bạn là một tế bào của nó thì sao?

Chuyện gì xảy ra nếu một tế bào trên cơ thể bạn thay vì phát triển hoà hợp cùng cơ thể, nó muốn thay đổi cả cơ thể bạn, nó có tham vọng tác động và đứng lên trên những tế bào khác… chắc chắn nó là tế nào ung thư, khi đó hoặc nó chết – bạn sống, hoặc bạn chết và rồi thì nó cũng chết theo. Đấy chính là cách chúng ta – những tế bào của hành tinh này đang tác động đến nó. Chúng ta muốn thay đổi thế giới, muốn thế giới phát triển theo tầm nhìn hạn hẹp của mình và kết quả là chúng ta dần phá huỷ nó, không khác gì tế bào ung thư.

Ơ nếu vậy thì chúng ta làm gì, hay không làm gì cả? Một tế bào cứ là chính nó thôi, nó làm tốt vai trò của nó, và là một tế bào khoẻ mạnh, tức là nó đã góp phần cho sự khoẻ mạnh của cả cơ thể này rồi, đừng có tham vọng thay đổi, tác động gì cả, cơ thể có nguyên lý vận hành của cơ thể theo từng giai đoạn.
Câu hỏi tiếp theo là: thế nhỡ tôi là tế bào có chức năng chiến đấu, hay tạo ra những tác nhân thay đổi cả cơ thể thì sao?
Làm thế nào để phân biệt được đó là chức năng của tôi, tiếng gọi bên trong tôi hay tôi đang có tham vọng thay đổi thế giới?
Đúng là mỗi tế bào – mỗi chúng ta sẽ có các chức năng khác nhau, có các động lực khác nhau, miễn là bạn đang tốt lên, phát triển hơn, khoẻ mạnh hơn cả về tinh thần và thể chất thì dù bạn làm bất cứ điều gì (kể cả bạn là nhà nghiên cứu khoa học, tham gia quân đội, nội trợ, bác sĩ hay chỉ đi chơi) cũng là góp phần phát triển cho thế giới này, miễn là bạn làm điều đó vì chính bạn, bạn làm vì bạn thấy cần phải như vậy chứ không kì vọng rằng việc mình làm là để tác động hay thay đổi điều gì đó. Việc kì vọng về kết quả hay mong muốn thay đổi thế giới chỉ khiến bạn thất vọng, cực đoan, mù quáng và thế nào cũng trở thành phá hoại.

Xin kết thúc bằng một đoạn trong chương 2 của Đạo Đức Kinh – Lão Tử bản tiếng Anh (dễ hiểu hơn bản tiếng Việt ? )

“Therefore the Master
acts without doing anything
and teaches without saying anything.
Things arise and she lets them come;
things disappear and she lets them go.
She has but doesn’t possess,
acts but doesn’t expect.
When her work is done, she forgets it.
That is why it lasts forever.”

Hãy là một tế bào khoẻ mạnh, đừng là tế bào ung thư!

 
 
0