Tâm lý, Yeu

TẠI SAO MẸ LẠI PHẢI YÊU MÌNH?

TẠI SAO MẸ LẠI PHẢI YÊU MÌNH?

Có một nỗi đau mà từ những em gái sinh viên, đến các chị đã 2 con đau khổ đến với các lớp học của mình, nỗi đau đó cũng tốn nhiều nước mắt nhất trong các workshop của mình, đó là: “mẹ em không yêu em”, “mẹ chị không yêu chị”, hoặc là không yêu bằng anh chị em khác trong gia đình. Các bạn thường mang theo sự tự ti “mình không đáng được yêu”, “tại sao? tại sao mình không được yêu? tại sao mẹ không yêu mình?” suốt từ bé đến khi trở thành một người phụ nữ trưởng thành, già đi, nỗi đau đó vẫn ở đấy.

Có một câu hỏi mình thường hỏi ngược lại, phải rào trước là nó hơi khắc nghiệt “em/bạn/chị đã bao giờ tự hỏi: vậy tại sao mẹ phải yêu mình chưa?”
Mọi người thường ngạc nhiên: ơ, mẹ thì phải yêu con chứ! Sao lại khác đi được?

Chúng ta vẫn nghe thấy điều đó trong các ca khúc, bài thơ, bộ phim, nghe nói đến trong các ngày 8/3, 20/10, ngày của mẹ, lễ vũ lan… đâu đâu cũng nói mẹ yêu con. Vì thế nó nghiễm nhiên phải đúng chứ!

Bỏ tất cả những điều đó sang một bên. Một con người bỗng xuất hiện trong cuộc đời bạn, bạn có bắt buộc phải yêu người đó hay không? Có thể nó không đúng thời điểm, có thể bạn chưa được chuẩn bị, chưa sẵn sàng, có thể lúc đó quá nhiều áp lực và bạn không lường trước mọi thứ khó khăn đến thế, cũng có thể đó là một sai lầm, có thể thời gian đó gắn liền với một ký ức gây tổn thương… và bạn không sẵn sàng để yêu người đó. Thậm chí người đó khiến bạn thấy áp lực, hình ảnh người đó nhắc bạn rằng bạn không đủ tốt, hình ảnh người đó gợi nhớ bạn về những sai lầm, về sự tổn thương của mình… khó mà bạn có thể yêu được người đó. Khách quan mà nói là như vậy.

Văn học, ca khúc, các bộ phim vẫn nói về tình mẫu tử vĩ đại… nhưng không phải ai cũng khoẻ mạnh về mặt tinh thần, và thậm chí chính họ cũng không yêu nổi bản thân họ, chính họ còn chưa chữa lành những vết thương của họ. Quá nhiều yếu tố có thể tác động chứ không thể chỉ đơn giản nói người mẹ này thì vĩ đại, người mẹ kia thì không. Bạn không thể biết người mẹ đó đã trải qua điều gì, đang chiến đấu với điều gì bên trong mình. Và phần lớn những người mẹ đó có day dứt về việc không cảm thấy yêu con mình.

Vậy nếu như người mẹ đó không thể yêu bạn, mình thường nói là “hãy coi mẹ mình cũng là một người bệnh, mẹ cũng có những đau khổ và “bệnh tật” bên trong chưa biết chữa lành thế nào”, nhưng cũng đã cố gắng dành cho mình những gì có thể, nuôi mình lớn, cho mình ăn học… thì có đáng để mình thông cảm và biết ơn hay không? Và nếu mình muốn tình cảm từ người đó, sao mình không quay lại và trao đi tình cảm, trao đi mà không đòi hỏi được đáp lại, không phải “con yêu mẹ nhưng mẹ phải yêu lại con” nữa, không phải “con làm thế rồi mẹ phải công nhận con” nữa, chỉ là trao đi vô điều kiện thôi, khi đó sự kết nối sẽ được tạo ra.

Muốn được yêu, hãy yêu. Muốn được công nhận, hãy công nhận. Muốn được nhận lời yêu thương, hãy trao lời yêu thương… Thông điệp từ trái tim sẽ chạm tới trái tim.

Đừng sợ mình làm thế sẽ thiệt. Bạn đang tự hàn gắn chính mình và mẹ thông qua quá trình đó!

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)