Tâm lý

NHỮNG AI LÀ TÔI?

NHỮNG AI LÀ TÔI?

Trong cuốn Homo Deus có một chương là “Những ai là tôi?” nói rằng bên trong chúng ta có một “bản thể trải nghiệm” và một “bản thể kể chuyện”. Và việc chúng ta ra quyết định hay lựa chọn như thế nào có thể không liên quan gì đến những điều chúng ta thực sự trải qua.

Ví dụ như bạn trải qua một hành trình rất vất vả. Về lý thì tại sao chúng ta lại muốn trải qua những gì đau khổ hay khó khăn một lần nữa. Nhưng sau khi kết thúc hành trình đó, thực ra bản thể trải nghiệm của bạn chả-nhớ-gì-mấy, và nó không kể chuyện. Chọn lọc các ký ức, kể chuyện và đưa ra các quyết định lớn đều là độc quyền của một bản thể rất khác trong chúng ta: bản thể kể chuyện.

Bản thể kể chuyện chỉ ghi nhận những lúc cao trào và kết thúc của hành trình để tạo nên một câu chuyện, gán cho nó một ý nghĩa và quyết định có lặp lại trải nghiệm đó hay không. Nghĩa là hoàn toàn có khả năng câu chuyện được kể ra hay hơn thực tế, hoành tráng hơn thực tế, thậm chí không đúng với thực tế. Đại loại là ảo. Vấn đề là chính chúng ta cũng thường không ý thức được điều này.

Đọc đến đoạn này mình hơi giật mình, có khi nào mình cũng kể lại chuyện quá khứ bị ảo, nhớ ra cũng quen mấy đứa thực ra không có mấy trải nghiệm nhưng kể chuyện thì rất hay, viết văn như đúng rồi, cơ mà họ không cố tình làm vậy, họ chỉ muốn cuộc đời của họ ý nghĩa hơn thôi.

Vẫn là về bản thể kể chuyện. Đoạn này đọc xong lại thẩn thơ một lúc, vì khả năng là những ý nghĩa chúng ta gán cho cuộc sống đơn giản là sự tưởng tượng quá xuất sắc của tâm trí loài người.

Trong chính trị điều này được gọi là hội chứng “những chàng trai của chúng ta đã không hy sinh vô nghĩa”. Tác giả lấy ví dụ về trận chiến giữa quân đội Ý và Áo-Hung năm 1915, vì chủ quan Ý hy sinh hơn 700 nghìn lính, họ hoàn toàn có thể thừa nhận sai lầm của mình để ký một hiệp ước hoà bình có lợi hơn. Nhưng so sánh giữa việc đối mặt với cha mẹ của những người lính và nói rằng “chúng tôi đã sai lầm, con trai của ông bà đã hy sinh vô ích” và việc nói rằng “con ông bà không hy sinh vô ích, chúng ta sẽ quyết chiến cho đến khi dành được chiến thắng”, thì cách thứ 2 được ưa thích hơn, không ai muốn thừa nhận mình sai cả. Trận thứ 2, Ý hy sinh thêm 400 nghìn lính nữa. Mà không chỉ các chính trị gia, bản thân người dân cũng không muốn tin rằng họ đã hy sinh vô nghĩa, những người thương binh cũng không muốn tin họ đã hy sinh vô nghĩa. Vậy thà sống với ảo tưởng, hay gọi một cách hay ho hơn là lý tưởng. Bởi ảo tưởng mang lại ý nghĩa cho sự hy sinh.

Những linh mục thì đã áp dụng điều này từ nhiều nghìn năm trước ẩn dưới vô số các nghi lễ tôn giáo. Sự hy sinh của anh càng lớn, càng đau đớn, anh càng tin hơn vào vị thần của anh. Một người nông dân nghèo hiến tế một con bò cho thần Jupiter sẽ rất mực tin rằng thần Jupiter tồn tại. Vì nếu không tin thì tức là việc hy sinh một con bò là ngu ngốc, anh ta không có cách nào để giải thích cho sự xuẩn ngốc của mình nếu không tin. Và anh ta tiếp tục hiến tế một con bò nữa, một con bò nữa, rồi một con bò nữa… chỉ để không phải thừa nhận rằng tất cả những con bò hy sinh trước đó đều là phí phạm. Chính vì thế, tôi đã hy sinh một đứa con vì lý tưởng, thì nhất định tôi phải một mực trung thành với lý tưởng.

Tương tự như vậy với các công trình sai lầm, các cuộc hôn nhân không hạnh phúc, một công việc không có tương lai… Bản thể kể chuyện thà tiếp tục chịu đựng trong tương lai, chỉ để không phải thừa nhận rằng các đau khổ trong quá khứ không có nghĩa lý gì.

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)