Tâm lý, Yeu

NHỮNG NGƯỜI MẸ “KHÔNG CẢM THẤY” YÊU CON MÌNH

NHỮNG NGƯỜI MẸ “KHÔNG CẢM THẤY” YÊU CON MÌNH

Trong quá trình tiếp xúc với các bạn học viên qua các lớp thiền và workshop, mình đã được nghe rất nhiều người tâm sự điều này.
– em không biết tại sao em không cảm thấy yêu con em, là mẹ thì phải yêu con chứ, em cảm thấy em tồi tệ quá
– em chỉ thấy nó thực sự phiền và em mất bao nhiêu tự do vì nó, em rất stress, vừa căng thẳng lại vừa cảm thấy tội lỗi
– Mẹ em đã từng đối xử với em rất tệ, nên em đã thề là sau này có con em sẽ yêu thương nó, nhưng giờ em vẫn thường xuyên đánh con như đánh kẻ thù chị ạ

Những tâm sự như vậy thường mang theo rất nhiều nước mắt, cảm giác tội lỗi và hoang mang. Bởi chúng ta vẫn được dạy rằng là mẹ thì-phải-thương-con, mẹ nào lại không yêu con… vì vậy thật vô lý khi người mẹ không cảm thấy có kết nối với đứa trẻ.

Mình luôn nói với các bạn đó rằng: trước hết, không phải một mình em cảm thấy như vậy, em không cần tự trách móc mình, rất nhiều người cũng tâm sự với chị điều em tâm sự. Việc tự trách mình chỉ khiến em và tình hình càng tồi tệ hơn.

Người mẹ không có cảm giác kết nối với con có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Có thể là:

?Chính người mẹ cũng không cảm thấy kết nối được với bản thân mình nên khó có thể kết nối với một ai khác => vì vậy việc kết nối với bản thân trước và trong khi mang bầu rất quan trọng

?Người mẹ không có thời gian cho chính bản thân mình, không được nghỉ ngơi… khi nhu cầu của bản thân không được đáp ứng, sự khó chịu với đứa trẻ xuất hiện đơn giản là sự gào thét, là chuông báo động của nhu cầu đó => người mẹ rất cần nghỉ ngơi, nhờ người thân hỗ trợ, và thực sự không nên quá cố gắng trở thành người mẹ quá-tốt, thay vào đó hãy trở thành một người mẹ bình an

?Hình ảnh đứa trẻ gắn với quãng thời gian căng thẳng và đau khổ của người mẹ, vì vậy mỗi khi nhìn thấy đứa trẻ, sự căng thẳng trỗi dậy bên trong khiến người mẹ né tránh sự kết nối đó; hoặc đứa trẻ được cho là nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ và chịu đựng của người mẹ (có thể cô ấy chưa sẵn sàng làm mẹ) => người mẹ cần được chữa lành tổn thương

?Khi đứa trẻ đã lớn hơn: đứa trẻ quá giống mẹ, cụ thể là giống một phần mà người mẹ muốn chối bỏ trong chính bản thân mình, vì vậy mỗi lần nhìn đứa trẻ, cảm giác giận dữ với chính bản thân mình trào lên (chúng ta thường thấy những đứa con xung khắc với bố/mẹ, lại là những đứa con có tính cách và ngoại hình giống với bố/mẹ chúng nhất) => người mẹ cần chữa lành đứa trẻ bên trong và các tổn thương tuổi thơ của mình.

Việc không kết nối được với đứa trẻ cũng có thể chỉ kéo dài một thời gian ngắn, nhưng cũng có nhiều trường hợp mà thời gian này kéo dài hơn. Đứa trẻ luôn phản ánh một phần của người mẹ, là phần phóng chiếu của chính đứa trẻ bên trong mẹ. Thông qua đứa trẻ, chính người mẹ sẽ nhận ra những phần tổn thương bên trong mình để được chữa lành.

Cuối tuần vừa rồi mình làm workshop Yêu vô điều kiện, có thêm 2 bà mẹ nữa có những tâm sự như trên. Mình chỉ muốn nói rằng: các bạn không cô đơn. Điều các bạn cần là bình an với chính đứa trẻ bên trong mình.

 

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)