Nổi bật, Tâm lý

TRẠNG THÁI “NGHIỆN NGẬP” VÀ CÁC SANG CHẤN TUỔI THƠ

TRẠNG THÁI “NGHIỆN NGẬP” VÀ CÁC SANG CHẤN TUỔI THƠ

Đầu tháng 6, trước khi đi Tây tạng, mình bắt đầu giai đoạn thử nghiệm của một dự án khá tham vọng. Đó là giúp các học viên của mình vượt qua được trạng thái “nghiện”.

Nghiện ở đây không chỉ là nghiện thuốc lá, rượu và các chất kích thích. Mà còn có thể là nghiện ăn, nghiện mua sắm, nghiện… yêu những người làm tổn thương mình, nghiện bị… đánh, nghiện sex… Sau 3 năm dạy thiền với hơn 2 nghìn học viên thì các đối tượng học viên của mình đủ cả các loại “nghiện” trên. Mình cho từ “nghiện” vào ngoặc kép vì thực ra các ca không quá nặng, nhưng đều ở mức độ bồn chồn, lo lắng nếu “cơn nghiện” không được đáp ứng.

Thực tế, trạng thái nghiện ngập là một trạng thái giúp giảm căng thẳng rất tốt. Phần lớn chúng ta khi buồn, cô đơn hay căng thẳng đều tìm thú vui ở việc ăn uống, mua sắm, chất kích thích… để được giải tỏa, và khi điều này diễn ra thường xuyên, nó trở thành “nghiện”.

Nhiều người sẽ hỏi tại sao lại có vụ “nghiện bị đánh” mình nhắc đến ở trên. Thực ra nói nghiện bị đánh thì chưa chính xác. Sau một vài trường hợp mình tiếp xúc, mình phát hiện ra: không ai muốn bị đánh cả, nhưng tại sao người ta không thể rời bỏ người chồng hay người bạn trai luôn đánh đập mình. Hoá ra sau mỗi trận đánh, người đàn ông sẽ xin lỗi, ân cần, chiều chuộng, thậm chí sex rất tuyệt. Và người phụ nữ cô đơn đến mức họ rất cần những âu yếm sau mỗi trận đánh đó, đó là lúc duy nhất họ có cảm giác được yêu thương, có thể họ đã quá cô đơn từ thời thơ ấu của mình. Họ nghiện trạng thái sau khi bị bạo hành, chứ không phải nghiện bị bạo hành. Vì thế họ vẫn cần người đàn ông đó, người ngoài sẽ khó mà hiểu được.

Về mặt lý trí, những người ở trạng thái nghiện ngập hoàn toàn nhận thức được thói quen của họ nguy hiểm như thế nào. Họ thừa biết thuốc lá là độc hại cho mình và cả người khác, thừa biết ăn đồ ngọt và béo sẽ không có lợi cho sức khoẻ, thừa hiểu cảm giác trống rỗng quay trở lại rất nhanh sau mỗi lần mua sắm, hẹn hò 1 đêm… NHƯNG “tôi cần sống sót qua hôm nay đã, tôi cần phải vượt qua sự đau khổ/cô đơn/căng thẳng này đã” rồi mới nói đến chuyện sống được lâu dài hay không.

Suốt một năm vừa rồi khi chạy các workshop chữa lành tổn thương, chữa lành các sang chấn tuổi thơ, tìm hiểu về tâm lý học và lắng nghe sâu hơn 200 trường hợp học viên, mình nhận thấy căng thẳng trong cuộc sống hiện tại không chỉ là câu chuyện của hiện tại. Đằng sau đó còn là câu chuyện trong quá khứ. Ví dụ: khi ta bị căng thẳng vì một công việc chưa hoàn thành, nó không chỉ là vì công việc, nó có thể còn là ký ức bố đã từng nói “loại như mày sẽ chẳng làm được gì”, có thể là lần mẹ nói “nếu con thi trượt thì xấu mặt cả gia đình”… công việc chưa hoàn thành đó là nhân tố kích hoạt một loạt những đau khổ mà ta đã trải qua trong quá khứ. Ví dụ khác: khi chia tay người yêu, cảm giác đau khổ và cô đơn có thể không chỉ vì việc chia tay, mà là nó kích hoạt lại ký ức về những năm tháng tuổi thơ phải ở nhà một mình, tỉnh dậy trong căn phòng tối om mà không có bố mẹ ở nhà, hoặc có thể mẹ đã từng nói “mẹ không yêu con, con hư lắm”, “không ai yêu một đứa như mày cả”… Vì thế nên có những người thi trượt thì thi lại, có người thi trượt thì tự tử, có người hỏng việc thì làm lại, có người hỏng việc thì làm chí phèo, có người bỏ người yêu thì yêu người khác, có người thì giết cả người mình yêu. Nó tuỳ thuộc vào quá khứ của bạn, cách bạn được nuôi dạy và việc bạn đã xử lý, hàn gắn và giải phóng bao nhiêu những tổn thương trong quá khứ.

Giai đoạn từ 0-6 tuổi, bộ não của chúng ta chưa hoàn thiện, vì thế mà có nhiều ký ức thay vì được xếp vào vùng ký ức dài hạn lại có thể trôi lơ lửng ở hiện tại mà ta không nhận biết được. Ví dụ: một hôm mẹ bận việc nên đến đón bé muộn, ở nhà trẻ hôm đó các bạn đã về hết, đúng lúc đó mưa to và sấm chớp đùng đoàng. Đứa trẻ sợ hãi, cô đơn và thấy đau khổ vô cùng. Sau đó mẹ đến, đứa bé nhanh chóng quên sự đau khổ kia đi. Nhưng nó vẫn còn đó, trong tiềm thức cho đến khi đứa trẻ trưởng thành. Giả sử là một cô gái. Một hôm cô hẹn một người bạn đi cafe, nhưng đợi mãi không thấy người kia tới, đúng lúc mưa gió và sấm chớp đùng đoàng. Dù không còn ý thức được về ký ức mẹ đến đón muộn ở nhà trẻ kia, nhưng toàn bộ bối cảnh đã kích hoạt trong cô gái đó cảm giác đau khổ, cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn, sợ hãi… mà cô cũng không hiểu sao mình lại đau khổ vì một tình huống lãng xẹt như vậy.

Trong việc chữa lành các sang chấn tâm lý (trauma), người ta chia ra làm 2 loại: Big “T” – tức là các sang chấn lớn, ví dụ như: bị xâm hại, bắt cóc, tai nạn giao thông… và small “t” – tức là các sang chấn nhỏ, ví dụ như: bị bố mẹ mắng, bị đánh oan, bị bêu xấu trước lớp… Có một điều đáng lưu ý ở đây là hoá ra các sang chấn lớn dễ được chữa lành hơn, vì ít ra ta còn nhớ nó là sự kiện gì, còn các sang chấn nhỏ thường bị quên đi, bị cho là chẳng quan trọng, cho là ôi zời ai mà chả thế… và vì thế chúng không được xử lý, cứ thế trôi nổi trong tiềm thức và điều khiển hành vi của chúng ta.

Một đặc điểm nữa là Big “T” thì ít chứ small “t” thì vô cùng nhiều và ai cũng có rất nhiều. Khi mình làm các workshop chữa lành, nếu học viên biết được về sang chấn lớn của mình, hầu hết đều được giải toả qua một vài bài tập và dẫn thiền, nhưng sang chấn nhỏ trong một workshop cũng chỉ lôi ra được một phần nào. Sau đó nó vẫn tiếp tục trồi lên, lúc này lúc khác, trong khoá thiền này trong khoá học khác… Vì vậy mà quá trình chữa lành luôn là một quá trình dài mà mỗi người có một tiến trình rất khác nhau.

Quay trở lại việc xử lý trạng thái “nghiện” cho học viên của mình. Sau một hồi nghiên cứu cùng những kinh nghiệm chạy các workshop chữa lành, mình thấy cần phải kết hợp cả 3 yếu tố:

– Trước hết, làm sao để các bạn vượt qua cơn nghiện thật nhanh bằng sự quan sát tách rời – nguyên lý của thiền.
– Dẫn thiền về các sang chấn trong quá khứ để giải phóng các cảm xúc tiêu cực, nhìn nhận lại sự kiện trong quá khứ một cách có ý thức.
– Một vài kĩ thuật giúp thay đổi niềm tin giới hạn (ví dụ: tôi không đủ tốt, không ai yêu tôi, tôi làm gì cũng hỏng…).

Mình chọn 3 bạn gái cho lần thử nghiệm đầu tiên này. 3 bạn đều hút thuốc, bình thường mỗi ngày hút 4-5 điếu, nhưng lúc căng thẳng sẽ hút 1 bao, kéo dài nhiều năm. Quan trọng trong quá trình này là các bạn phải muốn bỏ thuốc đã, vì nếu không muốn thì chẳng kĩ thuật nào giúp nổi. Thực ra thì 3 bạn chia sẻ vẫn thấy okie với liều lượng đó, không có nhiều lắm động lực bỏ thuốc. Mình chỉ khuyên là: chị nghĩ mình sẽ không thực sự tự do khi bị phụ thuộc vào thứ gì đó, mình có thể hút, không vấn đề gì, nhưng mình không nên để nó điều khiển mình. Đơn giản là mình muốn tự do thực sự thôi và đây không phải chương trình cai nghiện, đây là tìm lại sự tự do. ^^

May mắn là vì các bạn í cũng tin mình nên công cuộc thử nghiệm suôn sẻ và kết quả khá tốt đẹp.
Mình chỉ hướng dẫn các bạn 2 buổi thứ Hai 4/6 và thứ Năm 7/6 và giao bài tập để các bạn thực hành ở nhà, sau đó mình rục rịch chuẩn bị cho chuyến Tây tạng. Khá bất ngờ là hiệu quả rất nhanh ^^ dù tốn khá nhiều nước mắt, vì mấu chốt ở đây là phải giải phóng được cảm xúc.

Một bạn tưởng là ca khó nhất (vì bạn phán xét bản thân rất nhiều) lại là ca thành công nhất. Ngay sau buổi đầu tiên bạn hút thuốc đã không còn thấy ngon, và sau 2 ngày bỏ luôn được thuốc, lúc đầu vẫn thấy bồn chồn khi nhìn bao thuốc nhưng giờ đã vượt qua được. (Về sau mình hiểu là cứ bạn nào kêu càng nhiều, khóc được càng nhiều thì nhanh hiệu quả hơn bạn nào khó khóc hơn, phải dùng mọi biện pháp cho khóc được mới thôi ?).

Bạn thứ 2 mới bỏ thuốc được 1 tuần nay.
Còn bạn thứ 3 thì vẫn đang trong quá trình.
Có một khác biệt là 2 bạn đầu thì thực hành thiền gần đây và đã tham gia workshop chữa lành trước đó, còn bạn thứ 3 thì đã học mình cách đây 1 năm và sau đó cũng ít thực hành thiền.

Dù 3 người là một mẫu nhỏ và chưa nói lên điều gì đáng kể, mình thấy vui vì đã làm được một chút gì đó và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới với các trường hợp và dạng “nghiện” khác.

Điều mình muốn chia sẻ qua bài viết này là gì? Đó là tiềm thức là thứ chủ yếu điều khiển hành vi của chúng ta, quyết định thế giới quan của chúng ta. Xử lý các tổn thương trong quá khứ, thực hành quan sát tách rời (thiền, chánh niệm) chính là ý thức về tiềm thức để thực sự có tự do và làm chủ số phận của mình.
Có thể bạn học lớp của Hương, có thể bạn thiền vipassana hay các lớp thiền khác, hay bạn chưa thiền bao giờ, với bài viết này, các bạn hãy thử dành thời gian nhìn lại những sự kiện trong quá khứ của mình. Có thể có những sự kiện bạn nghĩ rằng nó chẳng đáng gì, nhưng hãy nhớ rằng small “t” còn nguy hiểm hơn Big “T”. Từ đó mỗi người có cách tự hàn gắn cho bản thân mình.

Khá là trùng hợp, ngay sau khi test với 3 bạn gái trên, mình xem được bộ phim Patrick Melrose. Phim kể về một anh nghiện ngập đủ các thể loại ma tuý có tuổi thơ bị bạo hành. Và chỉ khi anh bình yên được với tuổi thơ đó, bình yên thực sự, không phải cố quên đi (mà chẳng thể nào thực sự quên được), anh mới tìm thấy chính mình.

Thực hiện những ca chữa lành mà chủ yếu là các bạn nữ, mình thấy phụ nữ đáng thương vô cùng. Bao câu chuyện mà cứ nghĩ chỉ thấy trên phim hoá ra có ngoài thực. Nhưng đàn ông cũng đau khổ lắm. Phụ nữ ít ra có thể dễ dàng khóc và thể hiện cảm xúc, còn đàn ông thì khó khăn hơn nhiều do cách mà họ được nuôi dạy. Thôi thì làm được từng nào hay từng đó. Hy vọng những người phụ nữ hạnh phúc sẽ giúp được những người đàn ông của mình hạnh phúc hơn. ^^

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)