Tâm lý, Yeu

CHIA SẺ CẢM XÚC NHƯ THẾ NÀO?

CHIA SẺ CẢM XÚC NHƯ THẾ NÀO?

Lần trước mình có viết bài “Khi cảm xúc không được đón nhận” nói về sự quan trọng khi chúng ta chia sẻ cảm xúc với nhau trong mối quan hệ. Có nhiều bạn hiểu lầm việc chia sẻ cảm xúc với việc trút những cảm xúc tiêu cực lên nhau. 2 việc đó thực sự rất khác.

Nhiều người sợ rằng nếu mình nói với người kia rằng mình đang lo lắng, tức giận, buồn… sẽ khiến người kia cảm thấy gánh nặng. Nhưng thực tế là khi bạn không chia sẻ bạn kìm nén, mặt bạn vô thức cau có, nhăn nhó, bạn đá thúng đụng nia, năng lượng khó chịu của bạn lan toả khiến bạn chẳng thế kết nối với ai cả. Khi bạn nín nhịn 10 chuyện, rồi chuyện thứ 11 xảy ra, bạn mang cảm xúc của cả 10 chuyện trước dồn vào câu chuyện 11 khiến đối phương cảm thấy vừa vô lý, vừa bực mình.

Hơn nữa, bạn thử nghĩ mà xem, gần như mọi nhu cầu trong cuộc sống, chúng ta đều có thể tự đáp ứng, tự thoả mãn, tự làm, tự mua hết. Ở khía cạnh người phụ nữ, bạn hoàn toàn có thể tự kiếm sống, tự chăm lo bản thân, tự phát triển, thậm chí tự sinh và nuôi dạy con. Riêng nhu cầu kết nối cảm xúc là điều chỉ có các mối quan hệ tình cảm có thể mang lại, mình nói rằng “kết nối cảm xúc” chứ không phải “phụ thuộc cảm xúc” hay “dựa dẫm cảm xúc”, vậy nếu không có cả điều này thì mối quan hệ tình cảm chẳng có vai trò hay ý nghĩa gì cả. Trong mối quan hệ nếu chỉ phô ra mặt đẹp đẽ, lúc nào xấu xí yếu đuối tự vào góc xử lý một mình, bao giờ ổn mới tìm đến người kia thì chẳng cần mối quan hệ làm gì. Bạn sẽ ổn nếu chỉ có một mình.

Vậy chia sẻ cảm xúc thế nào cho lành mạnh và làm sao để người kia không cảm thấy mình đang tạo gánh nặng cho họ?

?Đầu tiên, để chia sẻ cảm xúc mà không phải trút sự tiêu cực hay gánh nặng vào đối phương thì chính bạn phải ý thức được điều đó đã. Nhiều người nói về cảm xúc để thao túng đối phương. Cách nói không quan trọng bằng bạn sử dụng năng lượng nào khi nói. Bạn chia sẻ đơn giản vì bạn muốn sự chân thực, bạn muốn người kia biết mình đang trong trạng thái như thế nào. Vậy thôi. Bạn cũng xác định luôn là người kia có thể không đón nhận cảm xúc đó vì nhiều lý do. Nhưng không sao, bạn chia sẻ đơn giản vì bạn cần chia sẻ.

?Tiếp theo, bạn cần ý thức được rằng cảm xúc lúc đó của bạn chưa chắc đã là người kia hay tình huống nào đó mang tới. Ví dụ: người đó nói 1 câu hay làm gì đó và bạn cảm thấy tổn thương, có thể sự thật không phải thế, có thể lời nói/hành động của người đấy chạm vào những bất an có sẵn trong bạn, có thể hôm đó bạn đã căng thẳng sẵn từ những sự việc trước đó, có thể lời nói/hành động đó gợi nhắc đến một ký ức tổn thương… Điều này rất quan trọng. Người kia có thể hoàn toàn không cố ý làm bạn tổn thương, chỉ là họ chạm vào những tổn thương có sẵn trong bạn. “Em hiểu anh không cố ý làm em tổn thương, chỉ là câu nói đó khiến em thực sự buồn.”

?Cảm xúc cần được quan sát. Hãy dừng lại một chút quan sát cảm xúc của mình, đó cũng chính là một dạng thiền và chánh niệm. Quan sát xem sự tức giận hay nỗi buồn, hay niềm hân hoan đó đang ở đâu trong cơ thể bạn, hơi thở, nhịp tim đập, chỗ nào nặng, nghẹn, nóng… Chấp nhận hoàn toàn cảm xúc đó mà không chối bỏ hay suy diễn.

?Cảm xúc cần được chia sẻ ngay, luôn và chân thực. Hay như cách nói của các chị em là cảm xúc “tươi và nguyên chất”, không qua chế biến (suy diễn). Như đã nói ở trên, nhiều khi chúng ta nói một chuyện nhưng mang vào đó cảm xúc của 10 câu chuyện trước đó, lần nào xong luôn lần đó các bạn ạ. “Em cảm thấy buồn/giận/lo lắng/hoang mang/bồn chồn…” Nếu biết mỗi lần giận bạn sẽ nói linh tinh thì “Em đang rất giận, và em biết khi giận em sẽ không kiểm soát được lời nói của mình. Em cần ở một mình lúc này.” Rồi sáng hôm sau chia sẻ “tối qua em đã cảm thấy…” cũng được, chỉ là lần nào đi lần đó. Nhưng cũng có thể chia sẻ “em nghĩ cơn giận của mình tối qua không chỉ vì việc hôm qua, mà còn vì… nhẽ ra em nên việc nào đi việc đó.”

?Danh từ hoá động từ. Thay vì “Tại anh về muộn nên tôi…”, hãy bỏ “anh” ở vị trí chủ ngữ đi, chỉ nói về bạn thôi “việc chờ đợi khiến em cảm thấy bất an/lo lắng”, “việc không được lắng nghe khiến con cảm thấy buồn”… Với cách nói này, bạn không hề đổ lỗi cho người kia mà chỉ nói về mình. Nếu bạn không biết mình cảm thấy gì và nên dùng từ cảm xúc nào, hãy mang các cảm giác trên cơ thể ra, cái này rất dễ gây đồng cảm: “việc chờ đợi khiến tim em đập nhanh, dạ dày cứ bị quặn lại, xong em bắt đầu muốn khóc.”

?Nói về sự việc chính xác mà không suy diễn. Ví dụ “lúc nhìn thấy anh nói chuyện với cô đó, em đứng một mình và cảm thấy…” chứ không phải “anh-toàn-bỏ-mặc-em” đây là câu suy diễn. “Lúc chị nói với rằng [trích dẫn lại câu đó], em cảm thấy…” không phải “chị toàn nặng lời với em/ chị coi thường em” – nặng lời, coi thường là suy diễn.

?Nhu cầu của bạn là gì? Bạn muốn người kia làm gì cho bạn? Hãy nói cụ thể. Cần chắc chắn nhu cầu này không phải là mong người khác thay đổi. Không ai thay đổi vì bạn cả đâu. Nếu bạn cần được lắng nghe, được ôm, được ủng hộ, được cổ vũ, được tin tưởng… hãy nói ra điều đó. Hãy nói “anh có thể giúp em được không?” Vì nhiều khi người kia bối rối không biết xử lý tình huống sao nếu bạn nước mắt nước mũi tùm lum, hoặc khi bạn kể lể quá nhiều chuyện đau khổ. Thường nếu là đàn ông họ sẽ nhảy vào cho giải pháp. Nhưng thường điều bạn cần không phải giải pháp.
Đến đoạn này mình cũng nhắn nhủ là nếu ai đó tâm sự với bạn mà không nói đến nhu cầu của họ, bạn hãy hỏi “vậy mình có thể làm gì cho bạn?” “Em có muốn anh/chị làm gì cho em không?”… Khi đó người kia sẽ nói nhu cầu của mình. Làm ơn đừng tự ý đưa lời khuyên khi người kia không có nhu cầu đó. Bị vô duyên đấy!

Có một vấn đề của việc đưa ra yêu cầu là có thể người kia sẽ không đáp ứng nhu cầu đó của bạn. Và bạn cần chấp nhận rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu bạn muốn người kia ra quyết định, hãy nói: em cảm thấy… em muốn/em không muốn… anh thấy sao?/anh có thể giúp em được không?/

“Việc chờ đợi khiến em thấy mất hứng, em không muốn phải chờ đợi, làm sao bây giờ anh nhỉ?”
“Em không muốn rửa bát, em chỉ muốn nằm nghỉ thôi, anh thấy sao ạ?”
Để người kia ra quyết định.

?Đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình trước khi nhờ vả ai đó đáp ứng. Bạn cần yêu bạn trước khi mong chờ người khác yêu bạn, cần tự công nhận mình trước khi mong chờ nhiều khác công nhận bạn, cần tôn trọng mình trước khi mong chờ người khác tôn trọng bạn… Chỉ như vậy bạn mới không bị phụ thuộc vào người khác, và đối phương cũng không cảm thấy gánh nặng.

Nếu nhu cầu của bạn là chính đáng, hay nhắc lại nhiều lần để được đáp ứng. Ví dụ điển hình mình hay nói ở lớp của mình: một cô gái luôn muốn được nghe những lời ngọt ngào yêu thương vì cô ấy thiếu thốn điều đó từ khi còn nhỏ – có khả năng cao gặp gỡ một chàng trai không chịu nói lời yêu thương, lãng mạn – vì anh ta cũng thiếu những lời yêu thương trong tuổi thơ hoặc không được chứng kiến bố mẹ mình nói lời yêu thương với nhau. Hai người cùng tổn thương bị hút vào nhau vì cùng sóng rung động. Trường hợp này, khi cô gái yêu cầu bạn trai nói lời yêu với mình không chỉ để chữa lành tổn thương của cô ấy mà chính người bạn trai cũng được chữa lành khi tập nói lời yêu thương. Đây là cách chúng ta chữa lành lẫn nhau trong mối quan hệ.

Đầu tiên, bạn gái hãy nói lời yêu với chính mình trước đã, và khẳng định nhu cầu được nghe lời yêu thương rất quan trọng với mình, khẳng định mình cần điều đó, không chỉ một lần, hãy nhắc đi nhắc lại nhu cầu này một cách rõ ràng chứ không phải kiểu mè nheo “anh chẳng bao giờ blah blah…” nhí nhéo. Có thể ban đầu người bạn trai không quen, hãy cổ vũ và khen ngợi khi anh ấy cố gắng. Hãy chắc chắn nhu cầu của mình là chính đáng và nó cần được đáp ứng.

Nếu một nhu cầu là quan trọng với bạn mà người kia không đáp ứng, bạn sẽ luôn không cảm thấy hài lòng trong mối quan hệ. Cho người kia thêm thời gian, nhưng đừng chịu đựng thiếu thốn mãi, sẽ đến một lúc bạn tìm đến người khác để thoả mãn nhu cầu đó.

?Hãy chia sẻ cả những cảm xúc tích cực: hân hoan, hạnh phúc, bình an, rung động… “ngồi bên anh lúc này em thấy hạnh phúc lắm!” Chứ đừng chỉ đợi lúc buồn/giận/lo lắng mới chia sẻ bạn nhé!

Bài dài quá rồi nhỉ! ^^
Mình chỉ muốn nhắc lại rằng: đừng bỏ qua nhu cầu kết nối cảm xúc trong mối quan hệ, đó là cơ hội để chúng ta chữa lành cho nhau.

Thiền và hiểu bản thân giúp bạn cảm nhận và chia sẻ, kết nối cảm xúc hiệu quả hơn. Các lớp của mình đều có thể giúp bạn! ^^

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)