Tâm lý, Yeu
YÊU BẢN THÂN KHÁC ÁI KỶ NHƯ THẾ NÀO?
YÊU BẢN THÂN KHÁC ÁI KỶ NHƯ THẾ NÀO?
Gần đây, khái niệm Yêu bản thân rất hay được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Vậy Yêu bản thân nên được hiểu sao cho đúng? Và Yêu bản thân khác với Ái kỷ như thế nào?
Yêu bản thân không đơn thuần là mua cho mình một thỏi son hay một cái túi đẹp, dù rất nhiều nhãn hàng đã mang câu khẩu hiệu “yêu bản thân” ra để kích thích tiêu dùng. Yêu bản thân cũng không phải là ích kỷ, chỉ biết mình và nghĩ cho mình rồi mặc kệ những người khác. Mặc thật đẹp, tập cho cơ thể thật chuẩn cũng chưa chắc xuất phát từ việc yêu bản thân nếu bạn không làm điều đó vì chính bạn.
Yêu bản thân đôi khi bị nhầm thành Ái kỷ. (Mình không đề cập đến Ái kỷ bệnh lý, mà đơn giản là muốn nhắc đến những người ích kỷ, hay phóng đại bản thân và không quan tâm đến những người khác như anh chàng Narcissus trong thần thoại Hy lạp.)
Hãy cùng phân biệt Yêu bản thân và Ái kỷ:
Yêu bản thân là khi bạn yêu cả những mặt tốt và chấp nhận rằng mình có cả những mặt chưa tốt, cần khắc phục và cố gắng hơn. Vì người Yêu bản thân bao dung với chính mình, họ cũng sẽ bao dung với người khác, chấp nhận người khác cũng có mặt này mặt kia như mình. Còn Ái kỷ là chỉ thấy mặt tốt, đôi khi phóng đại mặt tốt đó lên và hoàn toàn chối bỏ những mặt chưa tốt trong mình. Vì thế người Ái kỷ hay chê bai, bỉ bôi, dìm người khác xuống để nâng cái tốt ở mình lên.
Yêu bản thân là chấp nhận rằng mình có những sai lầm và mình đang trên tiến trình phát triển, vì thế họ cũng tôn trọng tiến trình phát triển của người khác. Còn Ái kỷ luôn cho rằng mình đúng, bao biện rằng mình không sai, chỉ có những người khác là sai mà thôi. Thực ra người Ái kỷ rất sợ bị đánh giá, họ không tự tin đâu, họ chỉ thể hiện ra như vậy mà thôi.
Nên hoá ra người ái kỷ còn không yêu bản thân họ, không yêu con người thật của họ hay quá khứ, nguồn gốc của họ. Họ chỉ yêu hình ảnh mà họ vẽ nên. Nếu ai tung hô họ thì họ chơi cùng, còn ai không ủng hộ họ, họ sẽ không những không chơi cùng mà còn nung nấu việc dìm người đó xuống. Họ rất dễ bất an, mất bình tĩnh khi bị phản đối và rất khó kết nối sâu sắc với người khác. Trong khi đó, người yêu bản thân hiểu giá trị của mình và tôn trọng giá trị của người khác, họ tự tin, sống hài hoà và dễ dàng kết nối hơn.
Người Ái kỷ sẽ không quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của người khác, vì họ bận lo lắng cho hình ảnh của mình trước mặt mọi người. Trong khi người Yêu bản thân dễ dàng thấu hiểu và thông cảm với người khác, thậm chí không ngại nâng người khác lên vì họ tự tin và cảm thấy an toàn trong thế giới này.
Tóm lại, mức độ hài hoà và kết nối của bạn với thế giới xung quanh phản ánh bạn có tôn trọng và yêu bản thân mình hay không.
Vậy yêu bản thân có đồng nghĩa với việc tự hài lòng và ngừng phát triển? Bởi nếu mình yêu mình rồi thì cần gì phải thay đổi nữa? Không phải như vậy. Yêu bản thân là khi bạn không chối bỏ những sai lầm trong quá khứ, thừa nhận tình trạng thực tại, bạn biết những gì xảy ra ngày hôm qua đã tạo nên bạn của ngày hôm nay, bạn nhận ra những giá trị của mình và tự tin bước tiếp. Khi yêu bản thân, bạn không so sánh mình với người khác mà chỉ so sánh bản thân với những phiên bản trong quá khứ để làm tốt hơn, phát triển hơn mà thôi.
Mình rất hay lấy ví dụ về việc giảm cân, vì nó dễ hình dung. Chẳng hạn, bạn muốn giảm thêm 10kg vì bạn biết rằng nếu giảm về mức đó, bạn sẽ có một cơ thể khoẻ đẹp và cân đối hơn. Nhưng không có nghĩa bạn chán ghét cơ thể của bạn ngày hôm nay. Bởi nếu bạn chán ghét bạn ngày hôm nay bạn sẽ rất căng thẳng, nếu khi bước lên cân mà bạn không thấy chỉ số giảm đi, bạn có thể sự sỉ vả bản thân và rồi lại đau khổ, rồi nản lòng, điều đó không phải là động lực tốt để bạn tiếp tục duy trì việc giảm cân. Bạn hoàn toàn vẫn có thể phấn đấu đến một thân hình đẹp hơn mà vẫn biết ơn cơ thể của bạn ở thời điểm hiện tại. Vì bạn có một cơ thể khoẻ mạnh hơn nhiều người khác, vì các cơ quan bên trong bạn đang hoạt động ngày đêm để giữ cho bạn sống và hoạt động, thậm chí, khi bạn thừa cân thì các cơ quan đó đang làm việc vất vả hơn nhiều. Và vì bạn biết ơn cơ thể này, bạn ăn uống lành mạnh hơn, tập luyện điều độ hơn để giảm tải cho hệ thống đó, để nó được khoẻ mạnh.
Hãy tự cười bản thân mình khi bạn mắc sai lầm thay vì tự phán xét và chỉ trích. Chấp nhận rằng mình đang trên tiến trình học hỏi và phát triển. Bao dung với bản thân và ngừng so sánh mình với người khác. Khi đó, bạn cũng sẽ ứng xử như vậy với thế giới. Yêu bản thân cũng chính là Yêu thế giới này.