Nổi bật, Tâm lý

KHÔNG THỂ TỪ CHỐI CŨNG LÀ MỘT DẠNG “TỰ HẠI”

KHÔNG THỂ TỪ CHỐI CŨNG LÀ MỘT DẠNG “TỰ HẠI”

“Yêu bản thân” là một chủ đề lớn. Khi các bạn học viên của mình hỏi nên bắt đầu yêu bản thân như thế nào, mình thường nói rằng yêu bản thân là trân trọng chính mình trong bất kì tình huống nào, tha thứ và thôi dằn vặt cho dù quá khứ đã xảy ra chuyện gì, tôn trọng tiến trình của bản thân mà không căng thẳng thúc ép… Nhưng qua những câu chuyện và những workshop chữa lành gần đây mình đối mặt, một câu trả lời cụ thể và rõ ràng hơn bao giờ hết hiện ra. Bước đầu của việc yêu bản thân là chính là thẳng thắn khước từ những gì bạn không muốn.

Gần đây, khi những vụ việc ấu dâm xảy ra và được lan truyền, chúng ta dạy những đứa trẻ về những ranh giới của cơ thể, những phần nào, khoảng cách nào mà người khác không thể xâm hại đến con. Vậy còn chúng ta thì sao? Ngoài những ranh giới về cơ thể, những ranh giới cảm xúc và tinh thần nào của bạn mà người khác không được phép xâm phạm?

Nếu như ranh giới của cơ thể là một thứ hữu hình, thì ranh giới của cảm xúc và tinh thần có thể hiểu là những điều chúng ta cho phép người khác đối xử với mình mà không khiến chúng ta bị tổn hại. Mỗi người và trong mỗi mối quan hệ, chúng ta lại có những ranh giới riêng. Nhận ra bạn xứng đáng với điều gì và xứng đáng được đối xử ra sao tạo ra ranh giới cảm xúc và tinh thần của bạn.

Nhưng chúng ta thường xuyên để người khác xâm phạm vào ranh giới đó bằng cách nhẫn nhịn, cho qua, nghĩ rằng chúng ta làm thế vì lòng tốt và sự hy sinh, tự giải thích theo hướng bênh vực người xâm hại chúng ta… vì chúng ta sợ mất lòng, sợ bị đánh giá, sợ họ đi mất, sợ cô đơn, sợ không ai yêu mình. Càng nhẫn nhịn, mức độ chịu đựng của chúng ta càng tăng lên. Chúng ta ép mình làm những điều chúng ta không muốn rồi lại cáu giận với chính bản thân mình và những người khác.

Một vài ví dụ: (các ví dụ mình lấy hướng nhiều đến phụ nữ vì đó cũng là đối tượng mình hay tiếp xúc)

– bạn được nhờ làm điều gì đó mà bạn không muốn, nhưng vì nể người ta bạn đành làm trong sự ấm ức khó chịu, đó là lúc cảm xúc và tinh thần của bạn bị xâm hại bởi vì bạn không dám từ chối
– bạn trai của bạn thường xuyên để bạn chờ đợi trong cảm giác khấp khởi và căng thẳng, thường nói những câu khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân… nhưng bạn chấp nhận vì sợ mình bị bỏ rơi, sợ cô đơn, nên bạn cho phép cảm xúc của mình bị xâm hại
– chồng hay người yêu bạn không được phép ép bạn quan hệ nếu bạn không muốn hay không sẵn sàng, nhưng bạn nghĩ là vợ/người yêu thì phải như vậy, bạn miễn cưỡng thoả hiệp, tức là bạn đang cho phép cả cơ thể, cảm xúc và tinh thần của mình bị xâm hại
– mẹ của bạn cứ nhìn thấy bạn là than thở về cuộc đời của bà, than thở bà đã khổ và hy sinh như thế nào, than thở về bố của bạn đã vô dụng và xấu xa như thế nào… bạn vô cùng căng thẳng về điều đó nhưng chưa bao giờ dám bảo bà dừng lại, lúc đó cảm xúc và tinh thần của bạn bị xâm hại
– bạn đi làm, công ty yêu cầu bạn phải uống rượu với đối tác, bạn rõ ràng thấy điều này là sai nhưng ai cũng thế, bạn được dạy đó là điều hiển nhiên… khi đó cả sức khoẻ và tinh thần của bạn đều bị xâm hại…

Hãy hình dung lớp da của bạn là ranh giới bảo vệ những cơ, khớp, nội tạng… bên trong bạn. Nếu lớp da này bị rách, máu chảy ra, bạn có thể nhiễm trùng, để lâu hơn sẽ gây tổn hại các bộ phận bên trong.
Vậy thì lớp ranh giới của cảm xúc và tinh thần cũng vậy. Khi bạn để lớp ranh giới này bị xâm hại, liên tục, ngày này qua ngày khác, tâm hồn của bạn chảy máu và đầy những vết cắt rạch, rồi dần bị héo mòn và huỷ hoại.

Làm sao để nhận biết được ranh giới cảm xúc và tinh thần của bạn đang bị xâm hại?
Chúng ta luôn có một công cụ tuyệt vời, đó chính là: “cảm giác”. Khi bạn có một cảm giác khó chịu, cảm giác sai sai, cảm giác bị kiểm soát và sai khiến, cảm giác bất an, cảm giác không hạnh phúc… trước một hành động hay yêu cầu của ai đó đối với bạn, tức là ranh giới của bạn đang bị xâm hại. Nhưng khoảnh khắc bạn lờ những cảm giác đó đi để ép mình làm theo yêu cầu của người kia, không chống cự, không phản kháng… vì bạn sợ, lúc này cảm giác khó chịu gia tăng và làm đau đớn chính bạn. Cảm giác từ chỗ giúp bạn nhận định vấn đề trở thành thứ khiến bạn đau đớn hơn, và rồi đến lượt bạn, cố dồn nén và đàn áp cảm xúc của chính mình, cho đến khi bạn trở nên vô cảm, lãnh đạm, chẳng còn kết nối và sự sống động.

Chính vì thế, không dám từ chối khi bạn không muốn là một dạng tự hại. Yêu bản thân là biết mình xứng đáng được đối xử như thế nào, dõng dạc tuyên bố và sẵn sàng từ chối khi ai đó vượt qua ranh giới cảm xúc và tinh thần của bạn.

Vậy làm thế nào để tạo nên một ranh giới cảm xúc và tinh thần khoẻ mạnh, chứ không phải xây một bức tường ngăn cách bản thân và những người khác?
Mình sẽ viết tiếp phần 2 của bài này.



 

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)