Nổi bật, Tâm lý, Yeu

TẠI SAO “CÒN MONG MANH LÀ CÒN TRỌN VẸN”?

TẠI SAO “CÒN MONG MANH LÀ CÒN TRỌN VẸN”?

Những gì nhạy cảm và tinh tế đều rất mong manh và dễ bị tổn thương.

Bạn sẽ thấy những phần nhạy cảm và tinh tế nhất trên cơ thể chúng ta đều mong manh, sự nhạy cảm đòi hỏi một mức độ mềm yếu và dễ tổn thương nếu không được bảo vệ. Ví dụ như: tròng mắt, màng nhĩ, nụ vị giác, hay các dây thần kinh, mạch máu… Bạn không thể khiến những phần đó phải “rắn” hơn, “cứng” hơn để chúng tự bảo vệ mình, vì như vậy thì chẳng còn những cảm nhận tinh tế.

Với những mong manh đó chúng ta cảm nhận cuộc sống. Mà cuộc sống thì lúc nào cũng có hai mặt. Có xấu thì chắc chắn có tốt, có vui thì chắc chắn có buồn, có sinh thì chắc chắn có diệt, có bắt đầu thì chắc chắn có kết thúc. Bạn cảm nhận niềm vui ở mức độ rung cảm cao cỡ nào thì cũng sẽ cảm nhận nỗi buồn ở mức độ cao tương tự. Bạn không thể chọn: tôi chỉ muốn cảm nhận niềm vui thôi, nỗi buồn đừng có xuất hiện. Hoặc khi bạn tuyên bố: tôi sẽ đóng chặt lòng và quay lưng với mọi tổn thương, mọi nỗi buồn… tức là bạn cũng không còn khả năng để cảm nhận niềm vui, cảm nhận sự kết nối tinh tế với người khác, kết nối với cuộc sống.

Khi chúng ta mất đi sự nhạy cảm do khép lòng mình quá nhiều, bên trong chúng ta vẫn sẽ khao khát cảm nhận, vì thế con người trong một xã hội căng thẳng và đóng chặt cảm nhận thường muốn những thứ thật extreme, thật hardcore, thật drama, thật bùng cháy, nhạc phải thật bốc, thật to… tất cả chỉ để “tôi muốn được cảm thấy gì đó”. Không cảm thấy gì thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì? (Bạn có bất ngờ không khi những người hay drama thực tế chẳng tinh tế nhạy cảm như họ vốn nghĩ?)

Vì thế muốn trọn vẹn để kết nối với cuộc sống này. Bạn cần giữ sự mong manh của mình, quay lại với sự mong manh của mình. Chấp nhận cuộc sống luôn có hai mặt và nó vốn là thế, nó chẳng phải là một sự trừng phạt hay trái ngang vì đấy là điều hiển nhiên. Thôi kháng cự lại những vô thường trong cuộc sống khiến bạn vừa bình an hơn vừa sống động hơn. Bởi hoá ra chúng ta cố kháng cự lại đau khổ thì lại càng đau khổ, cố tìm kiếm sự an toàn lại càng bất an.

Chấp nhận cuộc sống là dòng chảy – this too shall pass. Âm nhạc hay vì nó là dòng chảy, câu chuyện hấp dẫn khi nó được dẫn dắt, cuộc đời mỗi người, sự phát triển… tất cả là dòng chảy.

Còn mong manh là còn trọn vẹn – đó cũng là một cách nói khác của việc hoà mình vào sự vô thường, chấp nhận sự này rồi cũng đổi thay. Nhận thức được điều này giúp bảo vệ những phần mong manh trong bạn mà không loại bỏ hay khép chặt nó.

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)