Nổi bật, Tâm lý

QUYỀN LỰC CỦA NẠN NHÂN

QUYỀN LỰC CỦA NẠN NHÂN

Trong lớp mình dạy có một module mang nội dung là: nhiều người trong chúng ta lựa chọn bệnh tật và đau khổ vì nó mang lại quyền lực.

Nghe có vẻ vô lý, ai lại muốn bệnh tật, muốn đau khổ, muốn là nạn nhân… nhưng đúng là như vậy, dù bạn không ý thức được điều đó.

Chúng ta có thể đã làm điều đó từ khi còn rất bé. Trong phân tâm học, giai đoạn trẻ từ 1-3 tuổi được gọi là giai đoạn “khoái cảm hậu môn”, là giai đoạn đứa bé ý thức được chuyện đi ị, và nó biết rằng nó có thể điều khiển được mẹ nó bằng việc… đi ị. Với một người mẹ có con trong giai đoạn này, một trong những điều quan trọng nhất đó là: con mình đã ị được chưa, phân của nó ra sao. Thậm chí căng thẳng, mất ngủ về vấn đề này. Và thực tế, đứa bé hiểu điều đó, trẻ con thông minh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Có những đứa bé mà mẹ nó phải dành cả tiếng dỗ dành, ngồi cạnh cưng chiều để xi nó ị. Đó là thời gian mẹ nó toàn tâm toàn ý cho nó, chăm sóc nó, yêu thương nó… đứa bé dùng chiêu này khi nó cảm thấy mẹ nó không dành thời gian cho nó đủ nhiều như giai đoạn sơ sinh trước đó. Bệnh “táo bón” trở thành quyền lực của đứa trẻ.

Một câu chuyện khác: Một đứa bé luôn hoảng sợ vì có một gia đình mà bố mẹ hay cãi nhau, nhưng một lần khi đứa bé bị bệnh và phải nằm viện, suốt thời gian đó, bố mẹ nó không hề cãi nhau mà tập trung vào chăm sóc nó. Từ đó, trong tâm trí nó hình thành một tư duy: nếu mình ốm, nếu mình yếu… bố mẹ sẽ không cãi nhau nữa mà chăm sóc mình. Ốm đau trở thành một chiến lược của nó. Khi đứa bé trở thành một người trưởng thành, nó vô thức lăn ra ốm, lăn ra ngất mỗi khi đụng phải một cuộc tranh cãi hay xung đột.

Nếu bị mắng, nôn hết cháo ra. Nếu mẹ đón muộn, lăn ra sốt… Và những câu chuyện tương tự cực kì phổ biến nếu bạn quan sát. Lý do là tâm trí của chúng ta hình thành các cơ chế sinh tồn từ khi còn rất nhỏ, nhưng tâm trí không thông thái (wise) – nó chỉ khôn lỏi (smart). Nếu nó ghi nhận một mệnh đề nếu-thì, ngay lập tức một chương trình được thiết lập. Và người lớn thì vô tình khiến trẻ con thiết lập chương trình đó: ví dụ như yêu nó hơn khi nó mệt, bênh nó khi nó bị ngã hay bạn trêu, làm mọi điều nó muốn khi nó ốm… Vậy chẳng nhẽ lúc đó người lớn nên lờ nó đi hay nghiêm khắc hơn. Không phải, mà ta phải yêu bọn trẻ mọi lúc ngang bằng. (Nhiều trường hợp khi trẻ bị ốm mà không được quan tâm khi lớn lại hình thành cơ chế không kết nối mỗi khi mình bị ốm hay thất bại, không cho phép mình/ thậm chí không có khả năng nhận của ai sự chăm sóc hay quan tâm.)

Và khi chúng ta lớn, cơ chế đó tiếp tục vận hành một cách vô thức. Một bạn học viên của mình kể về mẹ của bạn ấy, mỗi lần bố hay bạn ấy làm trái ý, mẹ bạn sẽ đau tim và lăn ra ngất hay vào viện. Bạn không dám cãi điều gì, vì chỉ sợ mẹ sẽ chết vì mình. Và tất nhiên cuộc sống gia đình căng thẳng. Mình bảo với bạn ấy là: mẹ em sẽ không khỏi được bệnh đâu vì đó là quyền lực của mẹ em. Rồi không chỉ là bệnh, chúng ta chọn vai nạn nhân: đời tôi khổ lắm, chồng tôi là thằng khốn nạn (tất nhiên tôi không bỏ được vì ba vạn bảy nghìn chín trăm tám sáu lý do), không ai yêu tôi, tôi xấu quá, tôi nghèo quá… để rồi những người khác lao vào thương cảm, an ủi, vỗ về, ưu tiên. Đó là một dạng quyền lực.

Nhiều người sẽ bảo tôi đâu có cố ý chọn những tình huống đau khổ đó. Không, bạn đã vô thức lựa chọn nó. Tâm trí của bạn tìm kiếm thứ nó muốn, ví dụ nhé: nếu bạn đang định mua 1 cái xe vespa màu trắng, đi đường bạn sẽ nhìn thấy liên tục liên tục vespa màu trắng. Nếu tâm trí bạn đã lập trình rằng điều này tốt cho cơ chế sinh tồn của bạn từ khi còn bé, lớn lên bạn vô thức lựa chọn nó, vì tâm trí chạy tự động.

Không ai có thể đối xử tồi tệ với bạn đến lần thứ hai nếu bạn không cho phép điều đó xảy ra. Có bạn gái tâm sự với mình rằng: ôi đời em toàn gặp thằng khốn nạn chị ạ. Mình bảo bạn ý rằng: Okie nếu mình gặp 1 thằng khốn nạn, cứ cho là số mình đen, nhưng nếu gặp toàn thằng khốn nạn thì chắc chắn mình có vấn đề. Không có số má gì ở đây hết. Nếu một thứ không tốt, xui xẻo, thất bại lặp đi lặp lại với bạn, chắc chắn bạn là người có vấn đề. Hãy thử dành thời gian và nghĩ lại về quãng đời đã qua của mình cho đến hiện tại, có thể bạn sẽ nhận ra nguyên nhân gốc rễ nằm ở đâu đó mà bắt đầu có ý thức về việc thay đổi.

Để nhận ra những người có cơ chế nạn nhân rất dễ. Họ luôn nghĩ vấn đề của họ to nhất quả đất, nỗi khổ của người khác chả là cái gì so với họ (thực tế: nỗi khổ của người nghèo không mua được ô tô ngang bằng với người giàu không mua được máy bay, chả có ai khổ hơn ai cả nếu còn chạy theo bản ngã của mình như Đức Phật đã nói), mọi khổ đau của họ đều do người khác gây ra hết, nếu do họ thì là vì họ tốt quá, tin người quá, thật thà quá… (túm lại vẫn là đổ lỗi), họ cần bạn yêu họ, an ủi họ, thả cho họ thật nhiều tim nhiều like nhiều nước mắt, họ cần bạn ưu tiên cho họ. Nhưng nếu bạn làm thế, tức là bạn đang tiếp tay cho họ, đang hại họ. Và họ sẽ càng ngày càng chìm trong vũng bùn của mình. Tại sao phải tốt hơn khi tôi đang quyền lực thế này? Tất nhiên họ không ý thức được điều đó đâu.

Túm lại, hãy tự quan sát bản thân và những người xung quanh bạn. Chừng nào chúng ta còn lựa chọn là nạn nhân, còn có một sự hiểu lệch lạc về loại quyền lực đó, chúng ta còn ở trong mớ bòng bong của mình. Cũng đừng tiếp thêm sức cho các nạn nhân khác.

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)