Nổi bật, Tâm lý
CẢM XÚC CÓ TRƯỚC, HAY SỰ VIỆC CÓ TRƯỚC?
CẢM XÚC CÓ TRƯỚC, HAY SỰ VIỆC CÓ TRƯỚC?
Hay: Bạn có bị “nghiện” cảm xúc tiêu cực?
Chúng ta thường cho rằng: người đó khiến tôi buồn phiền, việc này làm cho tôi giận dữ, sự kiện đó khiến tôi căng thẳng, hay ký ức đó khiến tôi đau khổ… Tóm lại là một điều gì đó ngoài kia đang mang lại cho tôi những cảm xúc tiêu cực.
Nhưng giờ bạn hãy thử nhìn theo một góc độ khác. Nếu như nguyên nhân không phải nằm ở sự việc ngoài kia, mà là cảm xúc tiêu cực đó đã có sẵn trong bạn? Bạn cần một cái cớ để phóng chiếu cảm xúc bên trong ra, và tâm trí bạn tìm kiếm cái cớ đó.
Hãy lấy một vài ví dụ.
– Người mẹ đi làm về đã mang sẵn sự khó chịu trong người. Mở cửa ra, người mẹ đó sẽ tìm thấy ngay một tội lỗi nào đó của đứa con để trút giận lên nó. Có bao nhiêu điều đáng khen khác không được ghi nhận.
– Một người mang sẵn sự bạo lực bên trong mình luôn tìm được lý do để gây hấn với người khác, dù đó là lý do rất vớ vẩn như: liếc nhìn, không chào hỏi, đi cùng đường, hỏi không trả lời.
– Một người mang sẵn sự tự ti bên trong luôn tìm được lý do để tự ti, luôn tìm được điểm chưa tốt của bản thân để tự dằn vặt, dù khi so sánh với người khác một cách khách quan thì họ không hề kém cỏi.
– Một người mang cảm giác ghen tuông luôn tìm được ra cớ để ghen, luôn tìm thấy điều để nghi ngờ, khi không tìm được, họ tự suy diễn hay hoang tưởng.
– Một người mang cảm giác sợ hãi sẽ sợ bất cứ điều gì xuất hiện, tự liên tưởng ra mọi tình huống tồi tệ để sợ hãi.
Vậy đâu phải là do bối cảnh hay những yếu tố bên ngoài. Cùng bối cảnh và yếu tố bên ngoài như vậy, nhiều người khác có phản ứng như vậy đâu!
Có rất nhiều người bị NGHIỆN những cảm xúc tiêu cực. NGHIỆN CẢM XÚC TIÊU CỰC là gì?
Hãy hình dung khi một người dùng chất kích thích. Các chất kích thích đó đi vào trong cơ thể gây ra các phản ứng sinh hoá và tạo cảm giác hưng phấn. Nhiều lần như vậy, cơ thể sẽ quen và đòi hỏi cơ chế đó phải được diễn ra thường xuyên. Nếu không tự hưng phấn được, họ cần chất kích thích được đưa vào cơ thể để đạt tới những cảm giác đó.
Cũng giống như vậy, khi một cảm xúc mạnh hay dữ dội xuất hiện (sợ, tức giận, đau khổ…), bên trong cơ thể của bạn diễn ra một loạt các phản ứng sinh hoá. Và khi cơ thể đã quen với điều đó, tâm trí sẽ tìm lý do để những phản ứng đó thường xuyên được diễn ra.
Có những người “tự hại” bằng cắt dùng dao cắt những vết cắt trên da, bởi khi cơ thể chảy máu, một số chất giảm đau tự động tiết ra khiến người tự hại cảm thấy dễ chịu trong thời gian ngắn ngủi. Họ cứ tiếp tục làm đau mình như vậy để ngay sau đó cảm nhận được sự dễ chịu, và làm ngày một thường xuyên hơn.
Nghiện cảm xúc tiêu cực cũng là một kiểu tự hại. Dù không có vết cắt hữu hình nào, những vết cắt vô hình cũng đủ để huỷ hoại bạn.
Chính vì vậy, có người kể đi kể lại chuyện đời đau khổ, vì họ nghiện sự đau khổ đó, mỗi lần kể lại là một lần họ “được” đau khổ, họ thoả mãn cơn nghiện của họ. Có người thì không kể ra nhưng tự gặm nhắm những đau khổ đó hàng ngày, hàng đêm.
Bạn băn khoăn có những người “sướng không muốn lại cứ đâm đầu vào những chỗ đau khổ”, cứ phải lao vào những người chà đạp, hành hạ họ? Đúng rồi đó, họ cũng nghiện đau khổ, ai yêu quý họ thì họ lại chẳng có cảm xúc mấy đâu. Họ đã quen bị bạo hành rồi. Thậm chí, có những người cố tình gây sự – một cách vô thức – để “được” bạo hành. Mình đã gặp không ít những trường hợp như vậy ở học viên hay những người đến tư vấn.
Hoặc, bạn có thể rất dễ nhận thấy những người có sẵn cảm giác mặc cảm, tự ti… dù họ có thêm điều gì đi chăng nữa, đạt được thành quả thế nào đi chăng nữa, họ vẫn sẽ tìm được lý do để cảm thấy tồi tệ về bản thân. Họ sẽ không nhìn vào rất nhiều những điểm sáng mà chỉ tập trung vào những điểm tối mà tôi.
Có những người bị nghiện sự căng thẳng, nếu không căng thẳng họ sẽ vô cùng bồn chồn, cảm thấy bản thân thiếu giá trị hay rất bất an. Vì vậy họ luôn lao vào những tình huống căng thăng, tự đẩy mình vào những hoàn cảnh éo le – tất nhiên là một cách vô thức.
Có những người, họ nghiện những cơn thịnh nộ, họ cần phải nổi điên. Họ tìm mọi cớ để nổi điên, dù đó là một ánh nhìn hay một sự tảng lờ. Hoặc não họ sẽ tự suy diễn, tự hoang tưởng sự việc để có cớ mà nổi điên.
Rất nhiều những ví dụ việc nghiện những cảm xúc tiêu cực, nghiện đau khổ. Sợ hãi, tự ti, lạc lõng, cô đơn, giận dữ, ghen tuông… vô cùng nhiều các thể loại nghiện.
Cảm xúc tiêu cực không xấu (như mình đã nói đến nhiều lần trong các bài viết và vlog). Những cảm xúc tiêu cực mang một thông điệp rằng có gì đó không ổn bên trong bạn, thông điệp rằng một nhu cầu nào đó của bạn không được đáp ứng và thúc đẩy bạn cần làm gì đó. Nhưng nếu để cảm xúc đó khống chế bạn thì sẽ là vấn đề lớn.
Vậy có cách nào để cai nghiện những cảm xúc tiêu cực đó? Mình xin gợi ý đến các bạn một vài phương pháp.
Bạn cần có một sự nhận thức, cụ thể hơn là sự chánh niệm (mindfulness). Tức là mỗi khi một cảm xúc tiêu cực trào lên, ngay lúc đó bạn cần ý thức ngay về nó và quan sát nó. Bạn cần ngay lập tức nảy lên trong đầu một câu hỏi “từ từ đã nào, có đúng là điều này đang khiến mình có cảm xúc tiêu cực này hay không? Hay mình chỉ lấy nó làm cái cớ để được tiêu cực”. Bạn không chối bỏ cảm xúc đó mà chỉ quan sát nó, rồi bạn sẽ thấy cảm xúc đó sớm hay muộn cũng buông tha bạn. Để làm được điều này không dễ, hoặc không ngay mà được. Bạn cần luyện tập để không bị cuốn đi theo cơn bão tố cảm xúc, để tĩnh tại ngay giữa tâm bão. Thực hành thiền quán – quan sát tách rời, thực hành chánh niệm cũng chính là thực hành sự điềm tĩnh đón nhận mọi bão tố đang diễn ra bên trong bạn và mọi bão tố ngoài kia. Sẽ cần một quá trình rèn luyện kiên nhẫn và không thể vội vàng.
Chữa lành cảm xúc, chữa lành đứa trẻ bên trong bạn. Phần lớn những hạt giống cảm xúc tiêu cực đã đã gieo vào bạn từ khi bạn còn rất nhỏ. Khi đó, bạn mong manh, cần được bảo vệ, mọi biến cố đều quá đáng sợ với một đứa trẻ. Khi lớn lên, dù về mặt ý thức chúng ta có thể cho rằng chuyện đã qua, nhưng vẫn có những hạt giống đau khổ nằm sâu trong tiềm thức cần được thấu hiểu và chữa lành. Bạn có thể thực hành các phương pháp chữa lành bằng nghệ thuật (vẽ, viết, nhảy múa…), tham gia các khoá chữa lành, nhận thức về bản thân, gặp chuyên gia tâm lý.
Bạn có thể cần đến một “trung tâm cai nghiện”. Trong một vài bài viết của mình có nhắc đến các khoá thiền, đặc biệt là khoá vipassana – 10 ngày tĩnh lặng. Đó là một khoá học rất hữu ích để giúp bạn “cai nghiện” những cảm xúc tiêu cực. Bởi trong 10 ngày đó, khi không được giao tiếp với ai, bạn gần như không có cơ hội để phóng chiếu hay cho phép các cảm xúc tiêu cực được bùng nổ ra ngoài. Đồng thời với sự hướng dẫn quan sát của các thiền sư, bạn điềm tĩnh đón nhận và sẽ thấy các cảm xúc tiêu cực tự tan biến. Tuy nhiên, thường một đợt “cai nghiện” như vậy sẽ không đủ nếu bạn không tiếp tục thực hành. Bởi quay về cuộc sống cũ vẫn là môi trường để bạn “tái nghiện”.
Kết nối với bản thân và cộng đồng. Mọi trạng thái nghiện đều xuất phát từ sự mất kết nối. Thực hành kết nối bản thân và cuộc sống qua thiền, nghệ thuật, lắng nghe, quan sát là những cách hiệu quả để bạn tìm thấy niềm vui sống. Ở trong một hội nhóm, một cộng đồng vui vẻ, ủng hộ và khích lệ nhau cũng giúp bạn có một môi trường lành mạnh để không “nghiện ngập”. Đừng quên tập thể dục thể thao, bởi tập luyện cũng là một cách tuyệt vời để kết nối với cơ thể và tiết ra các hormone hạnh phúc lành mạnh bên trong.
Giờ bạn hãy nghĩ lại xem, bản thân mình hay bị nghiện những cảm xúc tiêu cực nào? Nghiện nhẹ hay nặng? Bạn hay nuôi dưỡng những cảm xúc đó bằng cách nào? Hãy ngừng những việc đó lại nhé!
Chúc bạn “cai nghiện” cảm xúc tiêu cực thành công.