Tâm lý

ĐÚNG – SAI KHÔNG NGUY HIỂM ĐẾN THẾ ĐÂU!

ĐÚNG – SAI KHÔNG NGUY HIỂM ĐẾN THẾ ĐÂU!

Có một thứ mà con người ta rất sợ. Sợ sai. Nguồn gốc từ cách giáo dục của chúng ta mà SAI gắn liền với sự xấu hổ, nhục nhã, gắn liền với sự trừng phạt, bị ruồng rẫy, chối bỏ. Chỉ có ĐÚNG mới được thưởng, được yêu, được tôn vinh.
Cũng vì cách giáo dục đó mà chỉ có 1 khái niệm đúng hoặc sai, không sai thì chắc chắn phải đúng. Thế nên người ta lại càng sợ sai.

Điều này dẫn đến hậu quả gì?

Giả sử, bạn chia tay người yêu. Vậy thì với cách tư duy trên, chỉ có 2 khả năng xảy ra: hoặc bạn sai, hoặc “nó” sai. Vì thừa nhận mình chọn sai, sống sai đau khổ lắm, nên đứa kia nhất quyết phải là người xấu, phải là một thằng khốn nạn, tồi tệ, bạn phải chứng minh cho cả thế giới biết điều đó, để mọi người thấy và cũng để bạn tự an ủi bản thân mình rằng bạn không sai. Mỗi ngày bạn phải nhắc nhở những lý do đó trong đầu để mong được bình an khi chứng minh rằng mình đúng. Khổ nỗi là cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đau khổ thì an thế nào được.
Trường hợp ngược lại, “nó” đúng, bởi bạn chọn là đúng rồi, vậy thì con người bạn là sai trái, kém cỏi, xấu xí, không đáng được yêu…
Nói chung ai sai thì bạn cũng khổ. Nhưng từ từ đã, có thể chẳng ai sai, mà cũng không ai đúng cơ mà. Đơn giản là không phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu của nhau, thế thôi!

Ví dụ khác: một ai đó không ưa bạn, không chơi với bạn. Cũng lại chỉ có 2 trường hợp: hoặc bạn không tốt, hoặc người đó không tốt. Thừa nhận mình không tốt thật quá sức chịu đựng, vì thế nhất định nó phải là người xấu, mình phải tìm điểm xấu xa của nó, phải nói dìm hàng nó… Lý do cũng chưa chắc là mình muốn người khác nghĩ xấu về họ đâu, chỉ là mình muốn tự an ủi rằng mình không xấu, tại sao lại không chơi với mình, hay tại sao lại chê bai mình.
Trường hợp người kia lại là một người rất giỏi, rất thành công được nhiều người mến mộ. Thế thì chắn chắn người đó phải đúng rồi. Tức là mình là đứa vứt đi, tức là đúng là mình là đứa tồi tệ.
Nhưng có thật vậy không? Chúng ta có 1 tỉ lý do để có thể không ưa nhau. Có thể là hiểu lầm, có thể là khác văn hoá, hoặc có thể mình giống người yêu cũ từng đá nó nên nhìn thấy mình nó không thích thôi! Chẳng nhất thiết phải ai tốt ai xấu.

Cái hội fan hâm mộ cũng mệt. Nếu đã hâm mộ ai thì nhất định người đó phải đúng 100%, người ta nói gì cũng phải đúng, ăn ị thế nào cũng phải đúng tiêu chuẩn. Vì người đấy tốt, người đấy không được phép nói sai hay làm sai. Và vì thế mình tin mọi điều người đấy nói, nếu ai đó bảo người đấy nói sai bạn sẽ nhảy dựng lên, bạn không thể chấp nhận được vì trong tư duy của bạn chỉ có hoặc đúng, hoặc sai. Bạn sẽ rất bất an nếu lựa chọn của mình sai, người mình hâm mộ bấy lâu là sai. Nhưng sự thật là con người cũng phải có lúc này lúc khác, cũng phải sai lầm vấp ngã để trưởng thành. Đừng có mù quáng tin tất cả những gì người đó nói mà không đặt câu hỏi để tự tư duy. Cho phép thần tượng của mình, người mình hâm mộ được sai các bạn nha!

Xong lại có câu gì mà người nói đạo lý thường sống như l… Ủa vậy chỉ cần một hành động của người ta như l… thì bạn phủ nhận mọi thứ đúng đắn người ta từng nói, mọi điều có ích người ta từng khuyên bạn, mọi chuyện tích cực, mọi cảm hứng mà bạn từng dựa vào đó để cuộc đời nhạt nhẽo của bạn bớt chán hay là sao? “Fan trở mặt còn đáng sợ hơn bọn anti” – chị Son Ye Jin đã nói vậy trong Hạ cánh nơi anh.

Tóm lại, đúng sai không nguy hiểm đến vậy đâu! Chính tư tưởng hoặc đúng hoặc sai của hội fan cuồng khiến những người ban đầu chia sẻ những thông tin có ích, tử tế biến thành giáo chủ cực đoan. Rất nhiều hội đã biến thành như vậy rồi. Tha cho người ta đi các bạn!

Mỗi lần có ai hiên ngang tuyên bố: tôi là người đúng sai phải trái rõ ràng!
Mình chỉ biết cười.

Author


AvatarAvatar

Huong Ann

Sáng lập Thiền Đương Đại Giảng viên thiền (chứng nhận Mindfulness-Based Cognitive Therapy) Trị liệu, chữa lành đứa trẻ bên trong Điều phối các workshop nhận thức về bản thân Tham vấn chuyên nghiệp (Certified Professional Coach)