Tâm lý
HÃY ĐỂ BẢN THÂN ĐƯỢC TIÊU CỰC
HÃY ĐỂ BẢN THÂN ĐƯỢC TIÊU CỰC
Thường thì chẳng ai muốn mình đau khổ, buồn bã, thất vọng, hay giận dữ cả. Chúng ta đều muốn cảm giác đó mau chóng trôi qua. Liên tục có những cảm xúc tiêu cực có thể khiến cho chúng ta có cảm thấy thất bại, bất lực, thậm chí chán ghét bản thân… và chúng ta cần làm ngay điều gì đó để tống khứ đống tiêu cực đó đi.
Nhưng bạn hãy thử nghĩ mà xem: Nếu bạn đang buồn, rồi bạn lại thấy chán ngán bản thân vì mình lại buồn, tức là bạn vừa có nỗi buồn, lại vừa xuất hiện thêm một sự chán nản. Nếu bạn giận dữ, rồi lại cảm thấy bản thân mình thật tồi tệ vì đã giận dữ, tức là bạn vừa thấy giận, vừa thấy tội tệ. Nếu bạn thấy cô đơn, rồi lại suy diễn rằng: chắc mình kém cỏi nên không ai yêu mình, bạn thấy tự ti, rồi lại đau khổ vì mình tự ti, rồi lại tức giận vì mình lại đau khổ… tức là bạn thay vì chỉ có cảm giác cô đơn ban đầu, bạn lại tạo ra thêm nhiều cảm xúc tiêu cực khác.
Giờ hãy làm cách khác xem nhé: khi bạn buồn, bạn biết rằng bạn đang buồn, vậy thôi, bạn không căng thẳng hay oán trách hay giận dữ với nỗi buồn đó, đơn giản là bạn đang buồn, dù chẳng biết lý do là gì, bạn đang buồn, vậy thôi. Hay nếu bạn đang cô đơn, bạn biết rằng bạn đang cô đơn, bạn không suy diễn về bản thân và thế giới, không oán trách điều gì đã khiến bạn cô đơn, bạn đơn giản là đang cô đơn mà thôi. Bạn không cần phải chối bỏ hay cảm thấy tồi tệ về cảm giác cô đơn đó. Cảm xúc chỉ là cảm xúc. Chính việc bạn bi kịch hoá cảm xúc đó lên mới khiến cho bạn càng thêm đau khổ và khiến cho cảm xúc đó tiếp tục kéo dài.
Hãy nghĩ về một người đang say rượu, hay chính bạn lúc uống rượu, và cồn đang ở trong máu bạn, bạn có cảm giác lâng lâng hoặc đã say. Giờ có ai đó nói với bạn rằng: không được say nữa, hãy dừng lại, ngay lập tức! Bạn có làm được không? Không, bạn cần thời gian để chất cồn được đào thải khỏi cơ thể bạn, bạn cần nghỉ hay ngủ để cơ thể bạn tự phục hồi. Vậy thì các cảm xúc tiêu cực cũng thế, bạn không thể ra lệnh cho các cảm xúc đó ngay lập tức bay biến, bạn đơn giản cần thời gian để tự phục hồi.
Đè nén hay chối bỏ cảm xúc bằng cách đánh lạc hướng sang các hoạt động khác cũng không giúp bạn thực sự xử lý được cảm xúc đó mà chỉ làm cho tình trạng ngày càng tồi tệ hơn. Bình thường chúng ta hay trốn tránh nỗi đau, trốn tránh sự khó chịu bằng các thú vui, chất kích thích, thậm chí lao vào công việc… Nhưng sự đau khổ và khó chịu đó sẽ không thực sự được giải phóng. Giống như bạn có một đống rác mà không hót vậy, bạn chỉ lờ nó đi. Lâu dần, bạn có một bãi rác trong căn nhà nội tâm của mình… nhưng bạn chỉ trải một cái chiếu lên, vờ như mình chẳng có vấn đề gì cả. Rồi một ngày gió nổi lên, mưa đổ xuống. Bãi rác của bạn bốc mùi lên và mọi thứ suy sụp.
Vậy chúng ta phải làm như thế nào? Hãy dành thời gian cho những cảm xúc đó. Không cần quá nhiều thời gian đâu, đôi khi chỉ là 10-20 phút, thậm chí chỉ 3-5 phút mỗi khi một cảm xúc tiêu cực trào lên bên trong bạn. Bạn hãy quan sát cảm xúc đó đang diễn ra bên trong cơ thể của bạn như thế nào, chỉ quan sát mà không phán xét, không phân tích không yêu ghét. Ví dụ bạn có một cơn giận, hãy quan sát xem cơn giận đó đang làm hơi thở của bạn gấp gáp như thể nào, cổ họng bạn nghẹn cứng ra sao, người bạn run lên, tim đập nhanh, mặt nóng lên… Ngay lúc bạn quan sát cơn giận, bạn không còn để nó kiểm soát bạn, cũng không đè nèn cơn giận đó. Rồi bạn có thể nói hay hành động mà bạn cho rằng phù hợp mà không bị cơn giận đó chi phối. Hay khi bạn buồn, nỗi buồn đó làm hơi thở của bạn nặng nề như thế nào, cơ thể của bạn rã rời ra sao, và nếu bạn muốn khóc, hãy khóc… bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn và nỗi buồn rồi cũng sẽ trôi qua. Hãy nhớ: chỉ quan sát, không phán xét, không phân tích, không yêu ghét. Cảm xúc đến rồi nó sẽ đi.
Khi dừng lại và quan sát cảm xúc, có thể bạn sẽ nhận ra rằng mọi cảm xúc đều mang một thông điệp nào đó. Nỗi cô đơn xuất hiện để thúc đẩy bạn kết nối với người khác và kết nối với chính bản thân mình, thường người ta chán ghét ở một mình vì chán ghét chính những suy nghĩ, những tiếng nói trong đầu mình. Sự tự ti tồn tại để thúc đẩy bạn làm tốt hơn nữa, bước ra khỏi vùng an toàn, miễn là bạn đừng so sánh mình với người khác, chỉ cần bạn tốt hơn bạn của ngày hôm qua. Tương tự như vậy, giận dữ báo hiệu cho thấy ranh giới cảm xúc của bạn đang bị xâm phạm. Sự buồn chán nhắn nhủ rằng bạn hãy làm điều gì đó đi… Nhìn từ góc độ đó, mọi cảm xúc đều là những chỉ dẫn thông tuệ bên trong bạn.
Trong trường hợp quá dễ nóng giận, rất hay tổn thương, thường xuyên cảm thấy tồi tệ… thì có thể nguyên nhân còn nằm sâu hơn thế, trong quá khứ của bạn, khiến bạn luôn cảm thấy bất an, sợ hãi, hằn học… Bạn có thể sẽ cần nhiều thời gian và các phương pháp hiệu quả hơn để chữa lành tổn thương, chữa lành đứa trẻ bên trong bạn. Nhưng trước mắt, hãy cứ để cho mình những khoảng lặng, để cho bản thân tiêu cực mà không phán xét hay đánh giá chính mình.
Chấp nhận và ôm ấp cảm xúc tiêu cực cũng không có nghĩa bạn thường xuyên kêu ca, than thở. Trời ơi tôi khổ quá, có ai khổ như tôi không. Rồi bạn kêu gọi thêm những người khác “ôi mình cũng khổ như bạn đây, chúng ta khổ quá”. Thế là lại lao xuống hố cùng nhau đấy các bạn ơi.
Gần đây mình rất hay sử dụng liệu pháp viết (writing therapy) – như một cách chữa lành. Hãy viết các cảm xúc của mình xuống, hãy xem những cảm xúc này bắt đầu lâu chưa, bạn có thường xuyên có cảm xúc này hay không, khi bạn còn nhỏ có tình huống hay sự kiện nào khiến bạn từng có cảm xúc tương tự, trút hết xuống giấy mọi mẩu đối thoại trong tâm trí bạn xoay quanh cảm xúc đó… Bạn sẽ thấy sau những dòng oánh trách, giận dữ, những dòng nức nở, yếu đuối bắt đầu xuất hiện… bạn đang chạm dần vào những cảm giác rất thuần khiết sâu bên dưới, và thế rồi một tiếng nói sáng rõ sẽ cất lên bên trong bạn.
Bạn cũng có thể tham khảo trên